WHA77: Thế giới chờ đợi thỏa thuận lịch sử về ứng phó với đại dịch

Khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 (WHA77) diễn ra từ ngày 27/5-1/6 tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: AP.

WHO: Tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm gần 2 năm vì COVID-19

WHO: Mục tiêu Phát triển bền vững và Thách thức toàn cầu về y tế

WHO hy vọng đạt "thỏa thuận lịch sử" về an ninh y tế toàn cầu

Kết thúc 10 ngày kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76

Theo AP News, phát biểu khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 (WHA77) diễn ra trong các ngày 27/5-1/6 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom kỳ vọng cuối cùng các nước trên toàn cầu sẽ đạt được thỏa thuận về ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch tương tự như COVID-19, sau khi một "hiệp ước đại dịch" đầy tham vọng đã không đạt được vào tuần trước.

Tại WHA77, các quan chức y tế đang "chạy đua" để khiến thế giới đồng ý với những cách thức mới nhằm chuẩn bị và chống lại một đại dịch "không thể tránh khỏi" trong tương lai.

Một dự án "táo bạo" nhằm thông qua "hiệp ước về đại dịch" tại WHA77 tuần này đã bị hoãn lại vào thứ 6 tuần trước, sau 2 năm rưỡi đàm phán xảy ra những bất đồng về việc chia sẻ thông tin về mầm bệnh gây ra đại dịch và công nghệ được sử dụng để chống lại chúng.

Các chuyên gia cho rằng, cơ hội tốt nhất hiện nay để đạt được thỏa thuận lịch sử về đại dịch tại Hội nghị lần này sẽ là những thay đổi được đề xuất đối với Quy định Y tế Quốc tế của WHO, được thiết lập vào năm 2004. Những sửa đổi sẽ thúc giục các nước tăng cường năng lực cảnh báo, phát hiện và ngăn chặn cũng như hợp tác quốc tế, nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Tại Hội nghị, một đề xuất đã được đưa ra cho phép Tổng giám đốc WHO có thể tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về đại dịch”.

Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục để cập nhật những quy định y tế hiện hành về các đợt bùng phát và những nhà đàm phán nói rằng các bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, do những bất đồng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển đã cản trở cuộc đàm phán hiệp ước về đại dịch vẫn kéo dài. 

Các vấn đề vẫn còn tồn tại liên quan đến đề xuất “chuyển giao công nghệ” và việc thành lập một quỹ mới thuộc WHO vào năm 2030 nhằm giúp tăng cường năng lực chống lại đại dịch “đặc biệt là ở các nước đang phát triển”.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đang thảo luận về cách đảm bảo những nước có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận một cách công bằng các sản phẩm y tế quan trọng như vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm trong trường hợp đại dịch.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, việc bị đình trệ trong hiệp ước đại dịch không phải là một thất bại và thừa nhận rằng các nước thành viên Liên Hợp Quốc thường phải mất nhiều năm để có thể đạt được những thỏa thuận mang tính lịch sử toàn cầu.

“Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều mong muốn có thể đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận kịp thời cho hội nghị y tế lần này và vượt qua vạch đích,” ông Tedros nói trong bài phát biểu khai mạc WHA77, theo AP News.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 27/5 - Ảnh: AP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Khai mạc Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 77 tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 27/5 - Ảnh: AP

Ông Tedros nhấn mạnh, dù chưa đạt được thỏa thuận, song các nước đều thể hiện sự nhất trí, quyết tâm xây dựng thỏa thuận về ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Theo các chuyên gia phân tích, tiền đề là những mầm bệnh không liên quan đến biên giới quốc gia đòi hỏi phải có sự phản ứng thống nhất từ tất cả các quốc gia. Nhưng những người ra quyết định đã gặp khó khăn trong việc cân bằng lợi ích quốc gia với lời kêu gọi từ các quan chức của WHO để suy nghĩ rộng hơn vì lợi ích của nhân loại.

Dự kiến, trong 6 ngày diễn ra Hội nghị (đến ngày 1/6), các nhà đàm phán sẽ trình bày kết quả đàm phán về thỏa thuận này trước WHA, sự kiện có sự tham gia của 194 nước thành viên WHO. Ngoài ra, Hội nghị sẽ đánh giá tình hình và đưa ra định hướng cho các bước tiếp theo.

Song song với nỗ lực đàm phán về thỏa thuận toàn cầu, WHA77 sẽ thảo luận về việc sửa đổi Quy định Y tế quốc tế (IHR). IHR được thông qua lần đầu tiên vào năm 1969, tạo lập khuôn khổ pháp lý quốc tế để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

 
Hiệp Nguyễn (Theo AP News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn