Nhìn lại 2 năm đại dịch COVID-19

Cả thế giới chao đảo do "cơn địa chấn" của đại dịch COVID-19

Thủ tướng: Không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao chưa tiêm vaccine

Nhiều quận ở Hà Nội "nguy cơ cao", dừng bán hàng ăn uống tại chỗ

Hơn 1.000 ca COVID-19 nặng phải thở máy và ECMO, F0 mới tại Hà Nội đứng đầu cả nước

F0 nào ở Hà Nội được cấp thuốc kháng virus Molnupiravir?

Đại dịch khiến cả thế giới chao đảo

Từ những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại chợ hải sản Hoa Nam (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) nhanh chóng lây lan và bùng phát “chưa từng có tiền lệ”. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus mới từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Ban đầu, COVID-19 được coi là ít nguy hiểm hơn so với “người họ hàng” SARS và MERS trong quá khứ. Nhiều quốc gia chủ quan cho rằng, dịch sẽ sớm kết thúc như cúm mùa, khi mùa Hè đến và nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm, các thống kê chính thức ghi nhận hơn 5 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong do COVID-19. Con số trên thực tế có thể còn lớn hơn vậy. COVID-19 trở thành đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi số ca tử vong vượt qua số người chết do đại dịch “cúm Tây Ban Nha” năm 1918. Người khỏi bệnh COVID-19 còn gặp phải nhiều di chứng kéo dài như mất vị giác, hội chứng “sương mù não”, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống sau này.

Diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2021 - Đồ họa: Lê Dương

Diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2021 - Đồ họa: Lê Dương

Để ứng phó với COVID-19, thế giới đã thực hiện những biện pháp “chưa từng có tiền lệ”. Trong năm 2020, phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới… là nỗ lực ban đầu của các chính phủ với hy vọng có thể chặn đà lây lan của virus. Thành phố 11 triệu dân Vũ Hán lần đầu tiên bị “phong tỏa cứng” trước thềm Tết Nguyên Đán, người dân châu Âu đón “Giáng sinh phong tỏa”. Tâm dịch chuyển từ Trung Quốc sang Italy, Tây Ban Nha cuối tháng 3, tiếp đến là châu Mỹ và hoành hành tại Ấn Độ. Hiện tại, Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về cả số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19.

2 năm dai dẳng, làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, thứ hai, thứ ba… ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đại dịch giáng đòn nặng nề vào ngành du lịch và hàng không, khi các quốc gia liên tục đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài. Lần đầu tiên trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hàng loạt, nhường chỗ cho những lớp học trực tuyến qua màn hình. Ngành y tế gặp phải khủng hoảng nghiêm trọng, hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, thiếu thốn nghiêm trọng khẩu trang, máy thở và oxy y tế. Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Đức, Ấn Độ… cũng chao đảo do cơn địa chấn của đại dịch.

Việt Nam đã bền bỉ chống chọi với 4 đợt dịch nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân. Đáng tiếc thay, dù toàn xã hội đã chung sức chống dịch, dù lực lượng y tế tuyến đầu đã chiến đấu bất kể ngày đêm, đến tháng 11/2021, hơn 23.000 đồng bào đã ra đi trong đại dịch COVID-19.

Những biến thể khó lường

Biến thể Delta (B.1.617.2) là biến thể chủ đạo trong đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam

Biến thể Delta (B.1.617.2) là biến thể chủ đạo trong đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn khi virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến thành các biến thể dễ lây lan, có khả năng né tránh hệ miễn dịch và gây các triệu chứng nặng ở người bệnh. Khi bất cứ loại virus nào xâm nhập vào vật chủ (như con người), nó sẽ tạo ra các bản sao mới của chính mình, bắt đầu bằng việc nhân đôi bộ gene. Nếu quá trình này xảy ra lỗi, các bản sao sẽ mang đột biến. Một vài đột biến lại giúp virus vượt qua hệ miễn dịch của con người, giúp chúng có khả năng sống sót cao hơn. Như vậy, nếu còn tồn tại, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tạo ra những biến thể mới.

Sau khi được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã đột biến nhiều lần, thành ít nhất 10 biến thể nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Nhờ thành tựu giải trình tự gene, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã phát hiện ra nhiều biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại.

Sau nhiều lần thay đổi hệ thống đặt tên và phân loại, hiện nay, WHO sử dụng chữ cái Hy Lạp để đơn giản hóa quá trình đặt tên virus và các biến thể của chúng. Những biến thể SARS-CoV-2 đang được tổ chức này theo dõi gồm: Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1), Epsilon (B.1.427 và B.1.429), Eta (B.1.525), Iota (B.1.526), Delta (B.1.617.2), Kappa (B.1.617.1), Zeta (P.2), Mu (B.1.621, B.1.621.1) và mới đây nhất là Omicron (B.1.1.529).

Trong đó, các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta đã hoành hành từ 2020 và tiếp tục gây ra các đợt bùng phát diện rộng. Delta đã “nhấn chìm” Ấn Độ trong làn sóng dịch thứ 2 tại quốc gia này, gây ra tình trạng quá tải ở cả bệnh viện và các giàn thiêu. Biến thể này cũng “thổi bùng” đợt dịch thứ 4 – đợt dịch kéo dài và có ảnh hưởng nặng nề nhất tại nước ta.

Khi Delta còn đang đe dọa thành tựu phòng, chống dịch COVID-19 mà thế giới đã rất khó khăn đạt được, một biến thể mới được coi là “siêu đột biến” đã xuất hiện tại châu Phi. Được đặt tên là Omicron, biến thể này chứa số lượng đột biến nhiều hơn Delta, trong đó có đến 32 đột biến gắn trên protein gai. Đây là cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Các nhà khoa học hiện rất quan ngại về khả năng lây lan và vượt qua hàng rào miễn dịch của biến thể này.

Bài học đắt giá từ đại dịch

Ở những làn sóng đầu của dịch COVID-19, nhiều quốc gia còn hy vọng về viễn cảnh đạt được “miễn dịch cộng đồng”: Tỷ lệ nhất định người dân nhiễm bệnh sẽ tạo ra đề kháng tự nhiên với COVID-19. Kết quả là cái giá quá đắt, khi tỷ lệ người tử vong tăng cao, chủ yếu là người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền. Do đó, toàn thế giới chuyển hướng, nhanh chóng chạy đua để tìm ra giải pháp phòng bệnh – vaccine.

Trước đây, chúng ta mất từ 4 đến 20 năm để sản xuất ra loại vaccine truyền thống. Để ứng phó cấp bách với dịch COVID-19, công nghệ mRNA đã cho ra đời vaccine phòng COVID-19 trong vòng 11 tháng - bước tiến vượt bậc của khoa học và y học . Tuy nhiên, công nghệ vaccine mRNA là kết quả của cả thập kỷ nghiên cứu, nhằm đối phó với một đại dịch có thể bất ngờ xảy ra trong tương lai.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng dịch chủ động và hiệu quả

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng dịch chủ động và hiệu quả

Nỗ lực bao phủ vaccine đã giúp làm chậm tốc độ lây lan trong một thời gian nhất định. Chiến lược “Zero COVID”, được thực hiện bằng cách phong tỏa và xét nghiệm diện rộng nhằm quét sạch mầm bệnh trong cộng đồng, tỏ ra hữu hiệu ở một hai đợt dịch đầu tiên. Thế nhưng, sự xuất hiện của biến thể Delta đã thách thức thành quả chống dịch của mọi vùng đất trên thế giới.

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, lựa chọn của hầu hết các quốc gia là chấp nhận nguy cơ dịch hiện hữu. Các chuyên gia của WHO kỳ vọng rằng, vào năm 2022, COVID-19 có thể chuyển thành một bệnh đặc hữu, nhưng đặc hữu không có nghĩa là lành tính. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đánh dấu sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn đại dịch. Quan trọng hơn hết, việc chống dịch không thể là nỗ lực của riêng hệ thống chính trị, của một ngành, một tổ chức. Thay vào đó, “lá chắn” hữu hiệu nhất là ý thức của từng cá nhân trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Bảo vệ bản thân cũng là bảo vệ gia đình, cộng đồng và giảm gánh nặng cho lực lượng y tế tuyến đầu.

Ở cấp độ cá nhân, đại dịch COVID-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự thờ ơ của chúng ta với sức khỏe và môi trường sống của chính mình. Qua đại dịch, ta thấy trân trọng nhường nào khả năng được hít thở bình thường, được tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp với người thân, bạn bè. Hơn bao giờ hết, người dân nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm sức khỏe, tăng sức đề kháng để nâng cao chất lượng cuộc sống và chủ động phòng bệnh. Nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến thể chất, tìm cách cải thiện hệ miễn dịch cũng như sức khỏe tinh thần. Chúng ta đã dần quen với việc đeo khẩu trang, rửa tay, khai báo y tế khi tới nơi công cộng…

Sớm thôi, chúng ta sẽ trở về “bình thường mới”.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin