Phiên họp toàn thể sau khi thỏa thuận được thông qua tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP28 ở Dubai vào ngày 13/12 - Ảnh: Reuters.
COP28 "nóng" vì nhiên liệu hóa thạch
COP28: 777 triệu USD để chống lại các bệnh nhiệt đới
COP28: Những kỳ vọng của thế giới về giải quyết khủng hoảng khí hậu
Vì sao Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu như một vấn đề sức khỏe toàn cầu?
Những nỗ lực cứu vãn một thỏa thuận cho COP28, ngay cả khi đã quá thời hạn đàm phán, đã được đền đáp. Thỏa thuận dù chưa thể làm hài lòng tất cả các bên nhưng được kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới.
Theo Reuters, đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28.
Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.
Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, thỏa thuận kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.
Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là "lịch sử" nhưng nhấn mạnh rằng thành công thực sự của thỏa thuận nằm ở khâu thực hiện.
“Lần đầu tiên chúng ta có từ ngữ đề cập về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của mình. Chúng ta đã mang đến một sự thay đổi có tiềm năng định hình lại nền kinh tế của chúng ta” – Chủ tịch COP28 nhấn mạnh.
"Nói phải đi đôi với làm. Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động thực chất", ông Sultan Al Jaber nói với phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh COP28.
Một số quốc gia đã hoan nghênh thỏa thuận này, cho rằng đây là kết quả khả quan và đáng ghi nhận sau nhiều thập niên đàm phán khí hậu.
“Đây là lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đây là vấn đề chúng ta phải đối mặt” - Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide chia sẻ, theo Reuters.
Hơn 100 quốc gia đã vận động tích cực để có ngôn ngữ mạnh mẽ trong thỏa thuận tại COP28 nhằm "loại bỏ" dần việc sử dụng dầu, khí đốt và than đá. Các nước trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhóm sản xuất dầu OPEC do Ả Rập Saudi dẫn đầu, vốn cho rằng thế giới có thể cắt giảm lượng khí thải mà không loại bỏ các loại nhiên liệu cụ thể.
Các nhà sản xuất dầu lập luận rằng nhiên liệu hóa thạch có thể không gây ra tác động tới khí hậu nếu sử dụng công nghệ có thể thu giữ và lưu trữ lượng khí thải carbon dioxide. Tuy nhiên, công nghệ thu hồi carbon rất tốn kém và vẫn chưa được chứng minh trên quy mô lớn.
Trong khi đó, các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu đã ủng hộ mạnh mẽ việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất dầu khí lớn như Mỹ, Canada và Na Uy, cùng với Liên minh Châu Âu (EU) và nhiều nước khác.
Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, Dan Jorgensen, ngạc nhiên trước hoàn cảnh của thỏa thuận: "Chúng tôi đang đứng đây trong một quốc gia dầu mỏ, được bao quanh bởi các quốc gia dầu mỏ và chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng chúng ta hãy ngừng sử dụng dầu và khí đốt".
Sau khi thỏa thuận đã được ký kết, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện nó thông qua chính sách và đầu tư quốc gia.
Tại Mỹ, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử, các đời chính quyền quan tâm đến khí hậu vẫn thường phải chật vật khi cố gắng vận động thông qua các đạo luật tuân thủ cam kết chống biến đổi khí hậu của nước này.
Trên lĩnh vực này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giành được chiến thắng lớn vào năm ngoái khi thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, cung cấp hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho xe điện, gió, năng lượng mặt trời và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Theo Reuters, Châu Âu và Mỹ đã cho các nhà máy điện đốt than ngừng hoạt động. Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang ở mức kỷ lục và nhiều quốc gia đang có chính sách khuyến khích bán xe điện.
Thái độ ủng hộ ngày càng lớn đối với năng lượng tái tạo và xe điện trên khắp thế giới, cùng với tiến triển công nghệ, chi phí giảm và đầu tư tư nhân ngày càng tăng, đã thúc đẩy mức tăng trưởng nhanh chóng trong ngành này.
Dẫu vậy, dầu, khí đốt và than đá vẫn đang chiếm khoảng 80% năng lượng của thế giới. Việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Những loại nhiên liệu này cũng chiếm hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Bên cạnh đạt được một thỏa thuận, COP28 cũng đã huy động thành công 85 tỷ USD cho các chương trình chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới, theo Reuters và CNA.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã trải qua được 28 năm, nhưng đây mới là lần đầu tiên thế giới có một văn bản chính thức nhìn nhận, việc rời xa các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ là một xu thế không thể khác nếu muốn ngăn chặn những hệ quả của biến đổi khí hậu.
Trong các hội nghị trước đây, nội dung này từng không ít lần được nêu ra nhưng đều bị loại bỏ. Những gì thỏa thuận COP28 vừa đạt được vì thế không chỉ là những bước tiến về câu chữ, mà cho thấy, việc kiến tạo sự đồng lòng về các bước đi chống biến đổi khí hậu vẫn đang là một thách thức lớn như thế nào.
Bình luận của bạn