Liên Hợp Quốc: Tỷ lệ tiêm chủng trẻ em toàn cầu bị đình trệ

Báo cáo mới nhất của WHO và UNICEF về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trên toàn cầu - Ảnh: UNICEF.

Tỷ lệ tiêm chủng hầu hết vaccine ở Việt Nam chưa đạt tiến độ

Ổ dịch bạch hầu Quảng Nam: Tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 97%

WHO: Tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm gần 2 năm vì COVID-19

UNICEF: Mỗi ngày có 20.000 trẻ em mất nhà cửa do thảm họa thời tiết

Theo đó, các nhà nghiên cứu của WHO và UNICEF đã xem xét dữ liệu về phạm vi tiêm chủng được gửi từ hơn 190 quốc gia và thực hiện phân tích, có xem xét các góp ý của chuyên gia địa phương để đưa ra ước tính cụ thể cho từng quốc gia và toàn cầu.

Báo cáo cho thấy, dữ liệu ước tính có khoảng 21 triệu trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều loại vaccine vào năm 2023, khiến thêm 2,7 triệu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng dưới mức so với mức trước đại dịch vào năm 2019.

Tiến sĩ Ephrem T. Lemango, Phó Giám đốc tiêm chủng tại UNICEF cho biết: "Tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đã và đang bị đình trệ. Nó đang không thực sự phục hồi nhanh như chúng tôi mong muốn".

Theo ABC News, một trong những phát hiện chính của báo cáo là ước tính trẻ sơ sinh có tỷ lệ bao phủ liều đầu tiên của vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP) và vaccine sởi (MCV) vẫn ổn định 89% từ năm 2022 đến năm 2023, cao hơn tỷ lệ trong thời kỳ đại dịch nhưng thấp hơn so với ước tính trước đại dịch (hơn 90% trẻ sơ sinh được tiêm liều đầu tiên vào năm 2019).

Bên cạnh đó, số trẻ em được tiêm 3 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP) trong năm 2023 đã dừng lại ở mức 84%, tương đương 108 triệu trẻ. Tuy nhiên, số trẻ em không được tiêm một liều vaccine nào đã tăng lên 14,5 triệu vào năm 2023 so với năm 2022 (13,9 triệu trẻ). Theo báo cáo, Nigeria là quốc gia có số trẻ em cao nhất chưa được tiêm một liều vaccine DTP nào trong thời gian đó, tiếp theo là Ấn Độ.

Không những thế, hơn một nửa số trẻ em chưa được tiêm chủng sống ở 31 quốc gia có môi trường dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi xung đột và dễ bị tổn thương. Đáng lo ngại, đây là những nơi trẻ em đặc biệt dễ bị mắc các bệnh có thể phòng ngừa được do sự gián đoạn và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ an ninh, dinh dưỡng và y tế.

Ngoài ra, có khoảng 6,5 triệu trẻ em đã không hoàn thành liều vaccine DTP thứ ba – vốn đóng vai trò thiết để đạt được khả năng bảo vệ khỏi bệnh tật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp gây ra dịch sởi

Một nhân viên y tế đang cho trẻ uống vaccine ngừa bại liệt ở Srinagar, Kashmir, Ấn Độ - Ảnh: Mukhtar Khan/AP

Một nhân viên y tế đang cho trẻ uống vaccine ngừa bại liệt ở Srinagar, Kashmir, Ấn Độ - Ảnh: Mukhtar Khan/AP

Dữ liệu còn cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng chống lại căn bệnh sởi chết người bị đình trệ, khiến gần 35 triệu trẻ em không có hoặc chỉ được bảo vệ một phần.

Vào năm 2023, chỉ có 83% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm liều vaccine sởi đầu tiên thông qua các dịch vụ y tế thông thường, trong khi số trẻ em được tiêm liều thứ hai tăng nhẹ so với năm trước, đạt 74% trẻ em. Những con số này chưa đạt mức bao phủ 95% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, ngăn ngừa bệnh tật và các ca tử vong không cần thiết cũng như đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi.

Trong 5 năm qua, dịch sởi đã tấn công 103 quốc gia – nơi sinh sống của khoảng 3/4 số trẻ sơ sinh trên thế giới, với tỷ lệ tiêm chủng thấp (80% hoặc ít hơn) là một yếu tố chính. Ở chiều ngược lại, 91 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cao lại không xảy ra dịch bệnh.

Những xu hướng này cho thấy phạm vi tiêm chủng toàn cầu hầu như không thay đổi kể từ năm 2022 và vẫn chưa trở lại mức năm 2019. Thực tế này đã phản ánh những thách thức đang diễn ra với sự gián đoạn trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thách thức hậu cần, tâm lý do dự về vaccine và sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận dịch vụ.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho rằng, việc bùng phát bệnh sởi đã phơi bày những lỗ hổng trong tiêm chủng và tấn công những người dễ bị tổn thương nhất trước tiên.

“Đây là một vấn đề có thể giải quyết được. Vaccine sởi rẻ và có thể được cung cấp ngay cả ở những nơi khó khăn nhất. WHO cam kết hợp tác với tất cả các đối tác để hỗ trợ các quốc gia thu hẹp những khoảng cách này và bảo vệ những trẻ em có nguy cơ cao nhất càng nhanh càng tốt”, người đứng đầu WHO nói.

Một dấu hiệu tích cực trong báo cáo

Theo ABC News, dữ liệu mới của WHO và UNICEF cũng nêu bật một số "điểm sáng" trong phạm vi tiêm chủng. 

Vào năm 2023, tỷ lệ bao phủ liều vaccine ngừa virus u nhú ở người (HPV) đầu tiên ở nữ giới đã tăng từ 20% vào năm 2022 lên 27% vào năm 2023, trong khi tỷ lệ bao phủ liều cuối cùng tăng từ dưới 15% vào năm 2022 lên 20% vào năm 2023.

HPV có liên quan đến nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư đầu và cổ, cổ họng, dương vật, cổ tử cung và trực tràng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), việc tiêm vaccine HPV đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa bệnh ung thư do virus gây ra.

Tiến sĩ Sania Nishtar, Giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh Vaccine, cho biết: “Vaccine HPV là một trong những loại vaccine có tác động mạnh nhất trong danh mục vaccine của Gavi và thật đáng mừng khi vaccine này hiện đã đến được với nhiều bé gái hơn bao giờ hết”. 

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine HPV hiện mới chỉ tiếp cận được 56% trẻ em gái vị thành niên ở các nước thu nhập cao và 23% ở các nước thu nhập thấp và trung bình, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 90% nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

 
Hiệp Nguyễn (Theo WHO/ABC News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin