Đây là kết quả nghiên cứu vừa mới được công bố trong Tạp chí Hiệp hội Y tế Canada của các nhà khoa học Canada. Nghiên cứu này được tổng hợp từ các nghiên cứu liên quan trong suốt 20 năm qua. Theo ông Joan Durant - một giáo sư tại trường Đại học Manitoba và cũng là một trong những nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, có rất nhiều bằng chứng chứng minh trẻ thường xuyên bị đánh đòn sẽ bị tổn thương tâm lý lâu dài.
Nhóm của giáo sư Durant đã kết hợp với bệnh viện Nhi đồng miền Đông Ontario (Ottawa, Canada) để nghiên cứu và nhận thấy rằng sự trừng phạt về thể chất làm cho trẻ em dễ gây hấn, chống đối hơn và có thể gây ra suy giảm nhận thức đồng thời gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, đòn roi có thể làm giảm chất xám của não bộ trẻ ở nhiều lĩnh vực liên quan đến trí thông minh. Đánh con không chỉ biến đứa trẻ thành những thành phần thích gây hấn sau này mà còn gây khó khăn cho trẻ trong quá trình phát triển các vấn đề tâm lý. Trẻ dễ bị trầm cảm và lạm dụng các chất kích thích. Ngoài ra, trẻ bị đánh mắng nhiều về lâu dài cũng sẽ dần bị mất đi sự tự tin, độc lập trong suy nghĩ cũng như khả năng sáng tạo.
Trong khi đó, cho đến nay, chưa có nghiên cứu cho thấy bất kỳ kết quả tích cực lâu dài nào từ sự trừng phạt thể chất. Đánh đòn con trẻ hiện không còn là biện pháp dạy con phổ biến như 20 năm trước đây, do ở nhiều nước, nhiều bậc cha mẹ thường xuyên đánh con đã bị hạn chế quyền nuôi dạy chúng.
Thay vì la mắng đánh đập, cha mẹ nên bình tĩnh lắng nghe nỗi niềm, quan điểm của trẻ. Nếu chúng
làm sai thì cần chỉ bảo, giải thích cụ thể cho trẻ hiểu điều gì đang xảy ra, để từ đó trẻ ý thức
được việc mình làm là sai trái và cố gắng sửa chữa. Hoặc cũng có thể áp dụng một số biện pháp trừng
phạt nhẹ nhàng không gây tổn thương mà khiến trẻ nhớ lâu thì hiệu quả hơn một trận "mưa" roi.
Bình luận của bạn