Phòng ngừa cảm lạnh cho bé bằng cách nào?

Trẻ bị cảm lạnh thường bị đau họng, sốt, ho, không muốn ăn

Làm thế nào để biết trẻ bị hắt hơi và sổ mũi do cảm lạnh hay dị ứng?

Phân biệt: Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh hay nhiễm khuẩn

Bổ sung kẽm có giúp phòng ngừa cảm lạnh?

Phân biệt đau họng cảm lạnh, viêm họng và đau họng viêm amidan

Tại sao trẻ hay bị cảm lạnh? 

Bác sỹ nhi, giáo sư Carol J. Baker tại trường Đại học Y Baylor (Houston, Mỹ) cho biết: Vì hầu hết trẻ đều gặp virus lần đầu tiên nên hệ thống miễn dịch của trẻ không thể tiêu diệt chúng nhanh như người lớn. Hơn nữa, khi trẻ hắt hơi, virus có thể dính trên tay, quần áo và đồ chơi của trẻ và có thể sống được 30 phút. Khi những trẻ khác chạm vào đồ chơi bị nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, mắt, trẻ có thể bị nhiễm bệnh. 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ bị cảm lạnh thường xuyên khi đi học mầm non, những năm sau đó sẽ ít bị cảm lạnh hơn, vì hệ miễn dịch đã học được cách nhận biết và chống lại virus. 

Các triệu chứng cảm lạnh

Cảm lạnh thường kéo dài từ 6 - 14 ngày. "Chúng dễ lây nhiễm nhất trong 3 ngày đầu tiên khi bị bệnh, nhưng bạn vẫn có thể bị cảm lạnh từ một người đã mắc bệnh này trong 2 tuần", David Jaffe - Giám đốc Y khoa cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng St. Louis (Mỹ) nói. 

Đau họng: Thường là dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh, kéo dài khoảng 5 - 9 ngày. 

Chảy nước mũi: Bắt đầu vào ngày thứ 2 hoặc 3. Kéo dài 10 ngày trong 30% trẻ, 14 ngày trong 20% trẻ. 

Chảy nước mũi là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh

Ho: Thường bắt đầu khi đã bị cảm lạnh vài ngày, kéo dài đến 3 tuần. 

Sốt: Một nửa số trẻ bị cảm lạnh bị sốt từ 38,3 - 39,5 độ C trong 2 hoặc 3 ngày đầu tiên. Gọi cho bác sỹ nếu cơn sốt kéo dài hơn. 

Phòng ngừa cảm lạnh cho bé

Rửa tay thường xuyên 

Cách dễ nhất để bị cảm lạnh là đưa tay có virus lên mũi, mắt. Bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 30 giây, hoặc dùng nước khử trùng tay có chứa cồn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) phát hiện ra rằng những đứa trẻ thường xuyên sử dụng nước sát trùng tay ít bị cảm lạnh hơn 50% so với những trẻ khác. 

Che miệng khi hắt hơi 

Hàng triệu virus cảm lạnh bị bắn ra không khí sau mỗi lần hắt hơi. Virus gây cảm lạnh không lây lan dễ dàng qua không khí, trừ khi ai đó hắt hơi ngay vào mặt bạn, tiến sỹ Jaffe giải thích. Tuy vậy, bạn vẫn nên che miệng khi hắt hơi. 

Giữ ấm trong mùa Đông

Trẻ có thể bị cảm lạnh khi bị ớn lạnh.

Không hôn khi bị bệnh 

Virus gây cảm lạnh từ miệng của bạn có thể lây sang người khác, nếu chúng bị dính lên mắt, mũi. Một số loại vi khuẩn như vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn có thể dễ lây lan qua nụ hôn. 

Điều trị cảm lạnh cho trẻ cần chú ý gì?

Lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn có thể không phải là cách điều trị tốt nhất cho trẻ dưới 6 tuổi, theo Viện Nhi khoa Mỹ. Trong một số trường hợp, các loại thuốc này còn gây hại cho trẻ. Tiến sỹ Jaffe nói: "Các loại thuốc này có thể gây kích động và ảo giác". 

Cả pseudoephedrine (thuốc thông mũi) và dextromethorphan (thuốc ức chế ho) có thể gây rối loạn nhịp tim và kích kích nhịp tim. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những sản phẩm này thậm chí không làm giảm triệu chứng ở trẻ em dưới 6 tuổi. 

Thuốc acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Advil, Motrin) có thể giúp giảm đau, hạ sốt do nhiễm virus. 

Ăn súp gà

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, ở Omaha (Mỹ), súp gà chứa các chất chống viêm có thể làm dịu các triệu chứng cảm lạnh. Súp cũng dễ tiêu hóa, dễ nuốt khi cổ họng đau, giúp trẻ không bị mất nước. 

Làm sạch mũi

Để làm sạch mũi của trẻ nhỏ trước khi đi ngủ, hãy nhỏ một giọt nước muối vào mỗi lỗ mũi, sau đó dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để hút sạch. 

Dùng máy tạo ẩm

Bạn có thể dùng máy tạo ẩm không khí gần giường của bé để làm loãng dịch nhầy trong mũi. Làm sạch máy tạo ẩm hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn hoặc nấm mốc. 

Vân Anh H+ (Theo parents)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ