"Mua 1 cân mận, mất 6 triệu đồng"

Nhiều hoàn cảnh thật sự khó khăn cần vòng tay nhân ái

Đại tướng khen ngợi vụ triệt phá nhóm người Trung Quốc lừa đảo

Cẩn thận bị thôi miên với "hơi thở của quỷ"

Loạn chiêu trò lừa đảo trong bệnh viện

Lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua mạng xã hội bằng “thông báo trúng thưởng”

Hôm qua đi trên đường, gặp một ông cụ trải một trang báo nhỏ, bày bán vài nải chuối. Khuôn mặt cụ già nhăn nheo với nước da nâu sậm đầy vất vả. Em tôi định tạp xe vào để mua, thì bị mẹ kéo ngay đi chỗ khác: “Cẩn thận lừa đảo đấy con ạ!”. 

Câu chuyện mẹ kể “Mua 1 cân mận mất 6 triệu đồng” của nhà bác Huệ (bác tôi) được truyền khắp nơi. Chẳng là cũng thấy người bán trông vất vả, bác Huệ ghé vào mua ủng hộ. Vừa chọn mận, thì họ vừa nói chuyện rồi chẳng biết dùng thuốc thôi miên gì, mà nhìn mặt đoán bệnh, nói câu nào, bác gật gù răm rắp nghe theo. Họ đưa cho bác mấy viên “linh đan” nói là thuốc gia truyền chữa bệnh xương khớp, bảo bác mua. Thế là bác dẫn hẳn về nhà, mở két lấy 6 triệu đồng đưa cho. Đến khi họ đi mất, mới chợt ngớ người vì bị lừa, thuốc thì không dám uống vì không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiền thì cả tháng lương mất tiêu. Sau lần ấy, đi đâu bác cũng dặn mọi người phải cẩn thận.

Ở các bến xe, đặc biệt những bến tập trung đông người như bến xe chu chuyển Long Biên, bến xe Mỹ Đình… không ít người còn lạ với hình ảnh "bán tăm tình nguyện": 1, 2 người cầm theo những gói tăm, giới thiệu từ tổ chức này, kia đến mời mọi người mua tăm ủng hộ giúp các em mù khuyết tật. Một tay cầm tăm, một tay cầm quyển sổ ghi tên danh sách. Những người ít đi lại ở đây, có lòng thương đều ủng hộ 20.000 - 50.000 đồng. Song với những người đi vé tháng, hoặc có mặt thường xuyên ở bến xe, thì đều biết mà tránh xa mấy chiêu lừa đảo đánh vào tình người như vậy. 

Hay các em nhỏ lang thang cơ nhỡ, hàng ngày phải đi bán báo, bán tăm bông dạo… Giờ hình ảnh đáng thương này của các em cũng đang bị lợi dụng. Ở những công viên, nơi tụ tập đông người… những kẻ lừa đảo huấn luyện những đứa trẻ, có thể là đường phố, có thể là con cháu họ… ăn mặc khó khăn, rồi đi bán đồ hoặc đi ăn xin mong mọi người ủng hộ. Đã rất nhiều người tin, thương cho các em mà chẳng ngần ngại rút ví, giúp đỡ các em bữa cơm qua ngày. Nhưng những người dân ở xung quanh, họ lại hiểu quá rõ mánh lừa đảo này, vì tới khoảng 10 giờ tối, có 1 chiếc xe đến đón những đứa trẻ ấy đi. Vậy là mọi người lại rỉ tai nhau, và nhìn đâu cũng thấy lừa đảo.

Ngay cả vụ mua dưa ủng hộ đồng bào Quảng Nam, bên cạnh những tấm lòng thiện nguyện hết sức giúp đỡ người dân, thì có những thương lái lợi dụng, dựa vào phong trào này để căng bạt, phát động người dân mua dưa "ủng hộ". Chẳng phải vậy, mà khi người dân Quảng Nam đã lên tiếng hết dưa để bán, thông tin vẫn ngập tràn dưa ế ẩm, để những người có lòng vẫn không ngần ngại mưa gió, đến tận các điểm bán dưa để mua dù dưa có bé hay còn xanh non như thế nào.

Tôi tự hỏi, những bài học đạo đức ở trường dạy các em nhỏ biết mở rộng lòng mình, thương người, giúp những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng phụ huynh lại dạy cho các em những bài học thực tế, tốt nhất nên cẩn trọng vì lừa đảo bây giờ tràn lan khắp nơi.  Và rồi, mọi người đều nhìn nhau với những ánh nhìn nghi ngại. Đến một lúc nào đấy, vì nghi ngờ, mà các em sẽ chẳng cần những cái kéo tay từ phụ huynh, ngoảnh mặt làm ngơ với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh không? 

Các mẹ dạy: "Cẩn thận lừa đảo đấy con ạ!". Vậy giữa bài học đạo đức ở trường "lá lành đùm lá rách" và bài học "lừa đảo" ngoài thực tế, các em sẽ phân biệt như thế để hành động cho đúng?

Chúng ta cần làm gì? Xã hội cần làm gì? 

Ngoc Hoa H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết