Phụ nữ lúc nào cũng cần phải làm đẹp!
Hôn nhân “chết yểu” vì lý do không ngờ
Bất lực nhìn chồng cặp bồ với người hơn tuổi
Vợ thích "tình một đêm" với trai lạ, tôi phải làm sao?
Bỏ chồng vì kết hôn ba năm vẫn là... trinh nữ
Phụ nữ chấp nhận ở nhà chăm sóc gia đình, được gọi là người biết hy sinh. Người phụ nữ mà mọi thứ nhường hết cho chồng con, từ miếng ăn đến các hoạt động giải trí, cũng gọi là người biết hy sinh. Có người cả đời ngửa tay chờ tiền chồng, cũng gọi là người giỏi… hy sinh (hy sinh sĩ diện!). Hy sinh để chồng đi kiếm con trai. Có khi hy sinh nhiều thứ để được gia đình chồng chiếu cố...
Tôi cũng nằm trong số những phụ nữ hy sinh làm hậu phương cho chồng. Ngày sinh con đôi, chồng tôi kêu gọi tôi nghỉ việc ở nhà chăm con. Tôi còn nhớ nguyên văn lời anh ấy: “Thôi, em hy sinh đi”. Mà cũng chẳng cần đợi anh ấy đề nghị, tôi chấp nhận nghỉ việc vì hai con tôi thiếu tháng, bệnh suốt. Mẹ chồng tôi khi ấy cũng vào phụ một tay. Vì sợ áp lực cơm áo gạo tiền đè lên con trai, bà đề nghị chúng tôi cho bà đưa các cháu về quê nuôi dưỡng, “đảm bảo mọi việc ngon lành”. Nhưng vợ chồng tôi dù vất vả cỡ nào cũng không chấp nhận lời đề nghị ấy. Tôi nuôi hai con vất vả mọi bề. Vì thiếu kinh nghiệm và quá ít thời gian nghỉ ngơi, nên tôi bị kiệt sức và trầm cảm nặng. May mà chồng hiểu và động viên, dần dần tôi cũng vượt qua những khó khăn ban đầu.
Từ ngày nghỉ việc ôm con, tôi xuề xòa với bản thân hẳn. Cứ nghĩ, ở nhà mà ăn với bận, tóc với tai làm gì! Chẳng mấy khi tôi cầm tờ báo, thậm chí chẳng có thời gian xem ti vi. Con cái thì đứa níu bên này đứa kéo bên kia, khiến tôi chẳng màng tới việc chải chuốt. Dù chồng tôi ghi nhận sự hy sinh của vợ, nhưng oái oăm là ngay giữa lúc tôi “hy sinh” thì chồng cặp bồ. Khi đó, tôi lồng lộn như người mất trí. Đau như vết thương bị xát muối, cảm thấy sự hy sinh của mình là vô nghĩa. Cái giá của sự hy sinh mà tôi nhận lại bẽ bàng quá. Tôi nhận ra rằng, mọi sự hy sinh đều khó mang lại hạnh phúc vẹn toàn.
Tới bây giờ đã qua thời kỳ con mọn, nhưng vì có lý do riêng, tôi vẫn phải làm việc tại nhà. Ở nhà, nhưng không phải là hy sinh nữa. Cũng không phải ở nhà để hưởng thụ. Công việc nhà và những việc phải làm cũng chiếm hết thời gian của tôi, nhưng tự nhủ đừng hy sinh kiểu quên mình như thế.
Dù ưu tiên gia đình là số một, nhưng đừng bao giờ quên ưu ái bản thân. Hy sinh sao cho đúng, cho đáng. Ở nhà, nhưng phải giao du, có bạn bè. Ở nhà, nhưng không chờ tiền của chồng. Ở nhà, nhưng không được xuề xòa với bản thân. Tôi không để mình chết mòn vì danh hiệu hy sinh cao quý ấy, mà tự nhủ phải sống hạnh phúc. Và luôn tin rằng hạnh phúc là do chính mình tạo ra.
Cái mất, cái được từ khi chấp nhận hy sinh, tới bây giờ tôi nắm bắt rõ ràng hơn (có lẽ vì tôi đã bước qua ngưỡng 40, với quá nhiều trải nghiệm cuộc sống chăng?). Những mặt còn hạn chế, gắng khắc phục sao cho thấy lòng nhẹ nhàng. Những mặt tích cực, tôi xem đó là nguồn động viên. Thay vì chỉ sống cho chồng con, tôi còn biết sống cho mình. Tôi hy sinh vì những người tôi yêu bằng sự tỉnh táo và dặn lòng đừng bao giờ đánh mất bản thân.
Bình luận của bạn