10 đột phá mới trong cuộc chiến chống ung thư

Ung thư vú, phổi và ung thư ruột kết là các dạng ung thư phổ biến nhất

5 dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày bạn cần biết

Béo phì, rượu bia làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột trước tuổi 50

Australia: Đột phá trong nghiên cứu phát hiện sớm ung thư ruột

Bác sĩ chỉ ra 4 dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Dưới đây là 10 đột phá mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư:

Xét nghiệm giúp phát hiện sớm 18 bệnh ung thư ở giai đoạn đầu

Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển một loại xét nghiệm mới. Họ cho rằng xét nghiệm này có thể giúp xác định sớm 18 bệnh ung thư ở giai đoạn đầu.

Thay vì các phương pháp xâm lấn và tốn kém thông thường, xét nghiệm mới này hoạt động bằng cách phân tích protein trong mẫu máu. Theo thử nghiệm sàng lọc trên 440 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, xét nghiệm mới này đã giúp xác định chính xác 93% trường hợp bệnh ung thư giai đoạn 1 ở nam giới; 84% trường hợp ở nữ giới.

Nhiều người tin rằng nghiên cứu này đã “mở đường cho một xét nghiệm sàng lọc nhiều dạng bệnh ung thư cùng lúc, có độ chính xác cao, hiệu quả về mặt chi phí, có thể được thực hiện trên quy mô lớn". Tuy nhiên, với việc sàng lọc trên số lượng mẫu nhỏ, thiếu thông tin về các bệnh nền của người bệnh, hiện nay xét nghiệm mới này vẫn chỉ được coi là “"bước khởi đầu để phát triển các xét nghiệm mới, giúp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư".

Thuốc tiêm điều trị ung thư, rút ngắn thời gian truyền hóa chất xuống còn 7 phút

Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh là đơn vị đầu tiên trên thế giới ứng dụng thuốc tiêm điều trị ung thư. Quá trình này chỉ cần 7 phút để tiêm thuốc, thay vì tốn tới 1 giờ để truyền cùng một lượng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch như bình thường.

Anh đang đi đầu trong việc ứng ụng thuốc tiêm trong điều trị ung thư

Anh đang đi đầu trong việc ứng ụng thuốc tiêm trong điều trị ung thư

Điều này không chỉ đẩy nhanh quá trình điều trị cho người bệnh, mà còn giúp giải phóng thời gian cho các y bác sĩ. Loại thuốc tiêm Atezolizumab hoặc Tecentriq này giúp điều trị các bệnh ung thư phổi và ung thư vú. Dự kiến gần 3.600 người bệnh ung thư ở Anh đang được truyền thuốc qua đường tĩnh mạch sẽ sớm chuyển sang dùng loại thuốc tiêm này.

Cá nhân hóa điều trị bệnh ung thư

Ung thư học cá thể (precision oncology), hay cá nhân hóa điều trị bệnh ung thư được coi là “vũ khí mới tốt nhất để đánh bại ung thư”. Điều này liên quan tới việc nghiên cứu cấu trúc di truyền và đặc điểm phân tử của khối u ở từng người bệnh.

Phương pháp này giúp xác định những thay đổi trong tế bào có thể khiến ung thư phát triển và lan rộng, từ đó giúp người bệnh có phương án điều trị mang tính cá nhân, hiệu quả hơn.

Dự án giải mã 100.000 hệ gene người đã được các nhà khoa học Anh công bố hoàn thành vào cuối năm 2018. Đây là dự án của NHS Anh, nhằm nghiên cứu hơn 13.000 mẫu khối u từ các bệnh nhân ung thư ở nước này, từ đó tích hợp thành công dữ liệu bộ gene, giúp việc điều trị hiệu quả, chính xác hơn.

Do phương pháp cá nhân hóa điều trị bệnh ung thư có thể xác định được mục tiêu cụ thể, việc điều trị sẽ ít gây hại tới các tế bào khỏe mạnh, gây ra ít tác dụng phụ hơn so với các phương pháp điều trị ung thư thông thường (như hóa trị).

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chống lại bệnh ung thư

Tại Ấn Độ, đã có những đơn vị sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ví dụ, AI có thể đánh giá lược đồ rủi ro, từ đó giúp sàng lọc, chẩn đoán sớm các bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú.

AI đang dần được ứng dụng trong chăm sóc, chẩn đoán bệnh ung thư

AI đang dần được ứng dụng trong chăm sóc, chẩn đoán bệnh ung thư

Công nghệ AI cũng có thể được sử dụng để phân tích hình ảnh X-quang, nhằm xác định bệnh ung thư trong trường hợp không có chuyên gia phân tích hình ảnh.

Khả năng chẩn đoán bệnh được cải thiện

Chỉ tính riêng ở Mỹ, số người chết mỗi năm do ung thư phổi còn cao hơn tổng số ca tử vong do 3 dạng ung thư nguy hiểm tiếp theo cộng lại. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu khi chỉ thông qua kết quả chụp X-quang và siêu âm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ đã phát triển mô hình học máy AI, nhằm dự đoán khả năng tiến triển ung thư phổi của một người. Theo đó, phương pháp này có thể giúp phát hiện ung thư phổi sớm tới 6 năm, chỉ thông qua chụp CT liều thấp.

Theo đó, mô hình học máy Sybil có thể sử dụng dữ liệu hình ảnh phức tạp để dự báo nguy cơ ung thư phổi ngắn hạn và dài hạn.

“Manh mối” mới trong DNA của khối u

Các nhà khoa học từ Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành phân tích DNA trong khối u từ 12.000 người bệnh ung thư. Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này có thể tiết lộ manh mối mới về nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Bằng cách phân tích dữ liệu gene, các bác sĩ đã xác định các đột biến khác nhau góp phần gây ra bệnh ung thư ở người. Theo đó, trong số 58 yếu tố đã được phát hiện có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư, việc tiếp xúc với khói thuốc lá, tia UV, hoặc các tổn thương khác trong tế bào là những yếu tố nổi bật nhất.

Sinh thiết lỏng và tổng hợp

Sinh thiết là phương pháp chính được các bác sĩ dùng để chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, quá trình này mang tính xâm lấn và liên quan đến việc loại bỏ một phần mô khỏi cơ thể, đôi khi phải thông qua phẫu thuật.

Với các tiến bộ đột phá, hiện đã có phương pháp sinh thiết lỏng dễ dàng và ít xâm lấn hơn. Phương pháp này có thể dùng các dịch lỏng (trong đó mẫu máu) để phát hiện các dấu hiệu ung thư. Sinh thiết tổng hợp cũng là một phương pháp mới, khi các chuyên gia có thể buộc các tế bào ung thư phải tạo ra một dấu ấn sinh học tổng hợp, từ đó khiến chúng tự lộ diện từ những giai đoạn sớm của bệnh.

Liệu pháp tế bào CAR T

 

Đây là phương pháp điều trị mới có thể khiến các tế bào miễn dịch phát hiện được, “săn lùng” và tiêu diệt tế bào ung thư. Gần đây, phương pháp này đã được tuyên bố thành công trong việc chống lại bệnh bạch cầu (ung thư máu).

Liệu pháp tế bào CAR T được thực hiện bằng cách biến đổi gene các tế bào miễn dịch (tế bào T) của người bệnh ung thư. Các tế bào sau khi bị biến đổi có thể tạo ra các thụ thể CAR trên bề mặt, từ đó nhận biết được và có thể tiêu diệt các tế bào ung thư.

Theo thông tin từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), 2 trong số những người đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T vẫn “sạch” bệnh sau 12 năm.

Chống lại bệnh ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Bệnh hiếm khi được chẩn đoán trước khi bắt đầu di căn. Do đó, tỉ lệ sống sót trong vòng 5 năm khi được chẩn đoán bệnh chỉ ở mức 5%.

Các nhà khoa học từ Đại học California San Diego (Mỹ) đã phát triển một xét nghiệm có khả năng xác định bệnh ung thư tuyến tụy từ giai đoạn đầu, với tỉ lệ lên tới 95%. Theo đó, các nhà khoa học dựa vào dấu hiệu sinh học từ các túi ngoại bào. Đây cũng là phương pháp được sử dụng để phát hiện ung thư buồng trứng và bàng quang ở giai đoạn I và II.

Thuốc giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Các nhà khoa học Anh đang thử nghiệm một loại thuốc có thể giảm nguy cơ ung thư vú ở nữ giới tới 50%. Theo đó, thuốc anastrozole có tác dụng làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, thông qua việc ức chế enzyme aromatase. Loại thuốc này từ nhiều năm nay đã được dùng trong điều trị ung thư vú, nhưng gần đây mới bắt đầu được sử dụng như một loại thuốc giúp phòng ngừa bệnh. Thuốc sẽ được cấp cho gần 300.000 phụ nữ Anh có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

Vi Bùi (Theo Weforum)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư