Liệu pháp tế bào CAR T: Tiên phong “chữa khỏi” ung thư máu

Liệu pháp tế bào CAR T đang dần trở thành một phương pháp “chữa trị" cho một số bệnh ung thư máu

Ung thư phổi và những thông tin hữu ích dành cho bạn!

Tác dụng phụ khi điều trị ung thư vú và giải pháp cải thiện

Ung thư gan nguyên phát: Phát hiện bệnh sớm để điều trị hiệu quả

Những bước tiến trong việc tiếp cận các liệu pháp điều trị ung thư vú

2 trong số những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T vẫn có các các tế bào tiêu diệt ung thư trong cơ thể sau 10 năm điều trị mà không có dấu hiệu tái phát bệnh. Phát hiện này cho thấy liệu pháp tế bào CAR T hoàn toàn có thể trở thành phương pháp “chữa trị" cho một số bệnh ung thư máu, dù việc áp dụng liệu pháp này để điều trị các khối u đặc (solid tumour) vẫn còn khá nhiều thách thức.

 

CAR-T (viết tắt của Chimeric Antigen Receptor T-cell) là tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm.

Theo đó, liệu pháp tế bào CAR T sẽ được các chuyên gia thực hiện nhằm tạo ra các tế bào miễn dịch T, với mục tiêu đích có thể nhận biết và tiêu diệt một số tế bào ung thư cụ thể.

Tế bào T là một loại tế bào bạch cầu, có thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào lạ, bao gồm cả tế bào ung thư. Nhưng do các tế bào ung thư rất giỏi trốn tránh sự phát hiện của hệ miễn dịch, nên cơ thể chúng ta thường bỏ sót dấu vết của chúng. Như vậy, liệu pháp tế bào CAR T được sử dụng để giúp các tế bào T của cơ thể phát hiện tế bào ung thư tốt hơn.

Tại Vương quốc Anh, liệu pháp này đã được chấp thuận sử dụng để điều trị cho trẻ em và thanh niên mắc bệnh bạch cầu tăng lympho bào cấp tính (tế bào B) và người lớn mắc một số loại ung thư hạch bạch huyết. Cả 2 đều là ung thư máu.

lieu-phap-te-bao-car-t

Trong các thử nghiệm, liệu pháp tế bào CAR T được các chuyên gia đánh giá thành công vượt trội, có thể giúp những bệnh nhân ung thư nặng (những người trước đó được tiên liệu chỉ còn sống được vài tháng) thuyên giảm bệnh. Tuy nhiên, những tác động về lâu dài của liệu pháp này vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi.

Tuy nhiên, mới đây, GS. Carl June từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) cùng các đồng nghiệp của mình đã báo cáo về 2 trường hợp bệnh nhân điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào CAR T cách đây 10 năm. Cả 2 bệnh nhân đều bị bệnh bạch cầu lympho bào mạn tính, trước khi họ được điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T vào năm 2010. Bệnh tình của cả 2 người đều thuyên giảm hoàn toàn trong vòng 2 tháng điều trị. Điều này có nghĩa là tất cả các dấu hiệu, triệu chứng bệnh đều không còn nữa.

Ông Doug Olson không còn mắc bệnh ung thư sau 10 năm điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T - Ảnh: AP

Ông Doug Olson không còn mắc bệnh ung thư sau 10 năm điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR T - Ảnh: AP

2 người bệnh đều được đánh giá không còn mắc bệnh ung thư cho tới tận ngày nay. Khi các nhà nghiên cứu tiến hành xét nghiệm máu của Doug Olson (một trong 2 người bệnh trên), họ vẫn xác định được các tế bào CAR T có khả năng tăng sinh và tiêu diệt tế bào ung thư, cũng như những tế bào khác giúp hình thành phản ứng miễn dịch.

"Chúng tôi gọi những tế bào này là một liệu pháp sống, nhưng thật bất ngờ đối với chúng tôi là chúng vẫn có thể tiêu diệt tế bào ung thư trong vòng 10 năm sau khi được truyền vào cơ thể người bệnh", GS. Carl June cho biết. “Chúng tôi không thể chắc liệu mọi tế bào ung thư cuối cùng có biến mất trong vòng ba tuần (điều trị) hay không, hay các tế bào ung thư vẫn tiếp tục phát triển và sau đó bị tế bào CAR T tiêu diệt. Nhưng chúng tôi biết các tế bào này vẫn đang tuần tra trong cơ thể. Chúng vẫn tồn tại và hoạt động hiệu quả”.

 

GS. Martin Pule, Giám đốc Chương trình CAR T-cell từ Viện Ung thư UCL (Anh) cho rằng đây thực sự là một bước ngoặt. “Đây là bằng chứng cho thấy liệu pháp tế bào CAR T có thể được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư không còn đáp ứng với các đợt hóa trị kéo dài hàng thập kỷ”.

GS. David Porter từ Đại học Pennsylvania, người đã tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Các bác sỹ thường không sử dụng những từ như “chữa khỏi” một cách quá thường xuyên, thậm chí không bao giờ. Tuy nhiên, hiện đã có những bệnh nhân như Doug Olson, những người cũng chưa tái phát bệnh và chúng tôi thực sự tin rằng chúng ta bắt đầu có thể sử dụng từ “chữa khỏi” bệnh ung thư với họ”.

Trên thực tế, liệu pháp tế bào CAR T vẫn chưa có tác dụng với tất cả các bệnh nhân, cũng như chưa có tác dụng với tất cả các loại ung thư. Liệu pháp này cũng có chi phí tốn kém, dù GS. Carl June cho biết chi phí sẽ sớm giảm xuống trong tương lai.

GS. Martin Pule cho biết: “Liệu pháp tế bào CAR T vẫn gặp nhiều khó khăn trong điều trị các khối u đặc. Nguyên nhân là bởi các khối u này được bao quanh bởi các protein và các tế bào, giúp che chắn khối u khỏi hệ miễn dịch của cơ thể. Chúng tôi biết các tế bào CAR T có thể hoạt động tốt trong việc chống lại các khối u đặc như u nguyên bào thần kinh. Tuy nhiên, các tế bào CAR T vẫn chưa thể vượt qua được “lớp rào” bảo vệ khối u đặc nói trên”.

Hiện các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu để tạo ra tế bào T thế hệ thứ hai, nhắm mục tiêu nhận biết khối u và vượt qua “lớp rào” bảo vệ khối u.

Vi Bùi (Theo Theguardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư