Tại sao ung thư ngày càng phổ biến ở thế hệ Millennials?

Ngày càng nhiều người trẻ phải đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác

Australia: Đột phá trong nghiên cứu phát hiện sớm ung thư ruột

Bác sĩ chỉ ra 4 dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Ung thư phổi giai đoạn 2 và những thông tin hữu ích

3 cách cải thiện sức khỏe sau hóa trị, xạ trị ung thư

Trong vòng 30 năm qua, tỉ lệ ung thư ở các quốc gia G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) đang có xu hướng tăng nhanh ở những người trong độ tuổi từ 25 - 29, nhanh hơn nhiều so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2019, tỉ lệ ung thư ở nhóm đối tượng này đã tăng tới 22%, theo thông tin từ báo Financial Times (Anh).

Theo dữ liệu từ Đại học Washington (Mỹ), tỉ lệ chẩn đoán ung thư ở những người từ 20 - 34 tuổi ở các nước phương Tây hiện đang ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ gần đây. Trong khi đó, số ca ung thư ở những người trên 75 tuổi lại có xu hướng giảm kể từ năm 2005.

Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe khi phải đối mặt với ung thư khởi phát sớm, tình trạng nhiều người trẻ gặp phải căn bệnh này còn tạo ra gánh nặng kinh tế khi chi phí điều trị ung thư toàn cầu từ năm 2020 - 2050 ước tính lên tới 25,2 nghìn tỉ USD (tính theo chi phí cố định năm 2017).

Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư?

Theo phân tích của báo Financial Times và một số nghiên cứu mới đây, các chuyên gia cho rằng những thay đổi về chế độ dinh dưỡng (bao gồm việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn), lối sống lười vận động, tiếp xúc nhiều với các chất độc hại từ môi trường… là những yếu tố đóng vai trò lớn gây ra tình trạng này.

Chế độ ăn uống kém, lối sống lười vận động là những yếu tố có thể khiến ung thư khởi phát sớm

Chế độ ăn uống kém, lối sống lười vận động là những yếu tố có thể khiến ung thư khởi phát sớm

Lối sống phương Tây đã thay đổi đáng kể vào những năm 1950, 1960. Trẻ em sinh ra từ giai đoạn đó trở về sau phải đối mặt với những thay đổi này từ khi còn rất nhỏ. Các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những tác động chính khiến các thế hệ sau có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với các thế hệ đi trước.

Chế độ ăn uống đóng vai trò như thế nào?

Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu toàn cầu về 14 loại bệnh ung thư đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi. Từ đó, họ rút ra các yếu tố nguy cơ có thể khiến ung thư khởi phát sớm là do chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia và đồ uống có đường.

 

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc ăn các thực phẩm “siêu” chế biến có thể ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và cách cơ thể tiêu hóa thức ăn. Việc số lượng các loại lợi khuẩn bị suy giảm do lối sống kém lành mạnh, lạm dụng kháng sinh… có thể là “một tác nhân đáng chú ý khác dẫn tới sự phát triển của khối u”. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh trong số 14 loại bệnh ung thư có xu hướng khởi phát sớm, có tới 8 bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa.

Theo phân tích của báo Financial Times, khi các nước đang phát triển dần bắt kịp với các nước phát triển, họ cũng có xu hướng mô phỏng chế độ ăn uống và lối sống kiểu Tây. Điều này dẫn tới tỉ lệ ung thư gia tăng ở những người dưới 50 tuổi. Từ năm 1990 - 2019, tỉ lệ ung thư ở những người từ 15 - 39 tuổi có xu hướng tăng đáng kể ở các nước có thu nhập trung bình - cao như Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi, so với các nước có thu nhập cao. Tỉ lệ cụ thể lần lượt là 53% so với 19%.

Giải pháp nào giúp thế hệ Millennials tránh được nỗi lo mang tên ung thư khởi phát sớm?

Nếu không sớm có sự can thiệp và các biện pháp phòng ngừa, các thế hệ tương lai rồi sẽ phải chịu gánh nặng từ các bệnh ung thư khởi phát sớm. Điều này thể hiện qua thực trạng nguy cơ mắc ung thư khởi phát sớm ở những người trẻ đã cao hơn so với người trung và cao tuổi.

Bên cạnh việc kêu gọi các nghiên cứu, nâng cao nhận thức về lợi ích của chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, các chuyên gia cho rằng các biện pháp can thiệp tới chính sách như “quy định đối với các ngành sản xuất thuốc lá, thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn có thể có tác động đến nguy cơ ung thư”.

Trong khi đó, nhiều bác sĩ lâm sàng cũng đang kêu gọi giảm độ tuổi đủ điều kiện tham gia các chương trình sàng lọc ung thư.

Các bệnh không lây (bao gồm cả ung thư) đang gây ra trung bình 41 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Do đó, để đảm bảo phòng ngừa, chống lại các căn bệnh này hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo được sự phối hợp, hợp tác của các bên liên quan, các ngành, các quốc gia trong việc nỗ lực đạt được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe chung.

Vi Bùi (Theo Weforum)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư