Cảnh báo: Người trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực, đe dọa sức khỏe tâm thần

Người trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống, dẫn đến tâm lý không ổn định.

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Sức khỏe tâm thần Orygen (Australia) cho thấy những nguyên nhân chính ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ bao gồm: giá nhà ở tăng cao, những hạn chế trong môi trường làm việc và thói quen tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội

GS. Patrick McGorry, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, nhận định đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất mà xã hội hiện nay đang gặp phải.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khi các rối loạn tâm thần chiếm tới 45% số ca bệnh ở thanh thiếu niên, chỉ có 2% ngân sách y tế toàn cầu được dành cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ngay cả ở các quốc gia phát triển, chỉ có một nửa số người mắc các chứng rối loạn tâm thần tiếp cận được dịch vụ chăm sóc Sức khỏe cần thiết.

Cũng theo GS. Patrick McGorry, thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt với những thử thách thức chưa từng có về việc đảm bảo cuộc sống ổn định.

Ở nhiều quốc gia, giá nhà ở tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người. Đối với thế hệ trẻ, việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này khiến họ cảm thấy bất an về cuộc sống và gia tăng sức ép về tâm lý.

Bên cạnh đó, những vấn đề về việc làm cũng đang trở thành một gánh nặng lớn đối với tinh thần của người trẻ. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cá nhân trong vấn đề tìm việc làm, cùng với những môi trường làm việc thiếu đoàn kết, đã làm mai một những mối liên kết lành mạnh giữa con người với nhau, góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần.

Một thách thức khác không kém phần nghiêm trọng là thói quen sử dụng mạng xã hội. Nghiên cứu cho thấy đa phần người sử dụng mạng xã hội đều là người trẻ, họ thường xuyên tiếp xúc với những thông tin độc hại tràn lan trên không gian mạng. Trước những thông tin như vậy, một lượng rất lớn những người trẻ có thể cảm thấy tự ti và bất an về cuộc sống của mình.

Một phân tích từ Đại học King's London (Anh) cho rằng phần lớn đối tượng khảo sát trong nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe tâm thần Orygen đến từ các quốc gia có thu nhập cao. Điều này có thể dẫn đến việc nghiên cứu thiếu khách quan, vì 90% thanh thiếu niên trên thế giới sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần diễn ra nghiêm trọng nhất.

Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Carla Drysdale cho biết, tại nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình, người dân hầu như không thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

TS. Paul Denborough, Giám đốc Y khoa Tổ chức Headspace - tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần miễn phí cho người trẻ tại Úc, đánh giá cao nghiên cứu của GS. McGorry và đồng sự. Ông cho rằng bên cạnh các vấn đề nghiên cứu nêu ra, chính sách về an sinh xã hội ở các quốc gia cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người trẻ. TS Denborough kêu gọi cộng đồng cần phải nhận thức rõ những vấn đề mà người trẻ đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết tận gốc các vấn đề đó.

Theo bà Carla Drysdale, WHO đang hỗ trợ các quốc gia các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình xây dựng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng dành cho người trẻ, nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ này một cách dễ dàng hơn.

 

 

Tiên Phong (theo The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn