Tăng số trẻ mắc bệnh
“Mỗi tháng, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội tiếp nhận, điều trị hơn 500 ca bệnh nhi liên quan đến dạ dày. Đặc biệt vào những tháng nghỉ hè, con số này tăng mạnh, thường khoảng 700 ca. Từ đầu tháng 6/2014 đến nay, số ca bệnh rất đông. Đáng lưu ý, có nhiều trẻ bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (HP) rất cao”, TS-BS Phan Thị Hiền, Trưởng đơn vị Nội soi - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội cảnh báo.
Theo TS-BS Phan Thị Hiền, thời gian gần đây phụ huynh đã quan tâm hơn về bệnh dạ dày ở trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cháu mắc bệnh liên quan đến dạ dày với mức độ nặng.
Bé T.K.L., bảy tuổi, ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội bị buồn nôn, đau bụng một thời gian dài. Mỗi lần bé lên cơn đau, mẹ L. nghĩ con ăn uống mất vệ sinh nên tiêu hóa kém. Những cơn đau liên tiếp diễn ra mỗi khi L. mệt, đói, thậm chí cả sau bữa ăn. Mới đây, bé L. bị đau dữ dội, nôn ra máu, đại tiện có màu sẫm. L. được mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Kết quả nội soi khiến cả nhà bất ngờ: hai ổ loét hành tá tràng, bờ ổ loét xơ chai, xuất huyết dạ dày.
“Có bệnh nhân hơn hai tuổi đã có các biểu hiện như quấy khóc, đau bụng, đại tiện bất thường, khi kiểm tra thì phát hiện loét hành tá tràng, điều trị nội khoa không khỏi phải chuyển sang phẫu thuật. Bệnh nhi lại quá nhỏ không phẫu thuật được, cắt bỏ phần loét cũng không xong vì ổ loét lớn. Cuối cùng các bác sĩ phải cắt dây thần kinh X (liên quan đến việc bài tiết axít dạ dày) mới hy vọng ổn định”, BS-TS Hiền chia sẻ.
Bé L., bảy tuổi bị loét tá tràng
Trẻ em cũng dễ mắc như người lớn
TS-BS Phan Thị Hiền cho biết, nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em có thể do vi khuẩn HP, do dùng thuốc sau một đợt điều trị bệnh, stress, sau một đợt phẫu thuật… Nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là do vi khuẩn HP. Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này ở bệnh nhi liên quan đến dạ dày là trên 50%. Vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng (thực phẩm, bề mặt tay chân…). Người lớn nhiễm vi khuẩn HP mà bón thức ăn, nhai đồ ăn đút cho trẻ thì cũng dễ gây lây nhiễm.
“Một nguyên nhân thường gặp ở trẻ nhỏ là… stress. Đừng nghĩ người lớn mới stress. Trẻ học hành quá tải, thậm chí bố mẹ ép ăn quá nhiều hay trẻ sau chấn thương, hoặc các tình trạng đe dọa cuộc sống sẽ làm cho trẻ bị stress. Khi stress, trẻ sẽ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) phân tích.
Khi phát hiện trẻ đau bụng, nôn, ợ chua, nôn ra dịch có màu, đại tiện có màu sẫm, cần đưa trẻ đi kiểm tra ngay. Việc điều trị nhiễm HP kéo dài khoảng hai tuần với thuốc đặc trị. Theo TS-BS Hiền, viêm dạ dày do HP rất dễ tái phát nếu không ngăn chặn nguồn lây. Để phòng bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm vi khuẩn HP, rửa tay sạch sẽ, ăn uống vệ sinh.
Bình luận của bạn