Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm

9 điều cha mẹ cần biết về bệnh tay chân miệng

Cách điều trị bệnh tay chân miệng và phòng ngừa bệnh cho trẻ

Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có dễ lây lan?

Bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện ở bất cứ mùa nào trong năm, tuy vậy thường bùng phát vào mùa Thu - dịp bắt đầu năm học mới. Bệnh do virus thuộc nhóm enterovirus gây ra, phổ biến nhất là coxsackievirus A16 và enterovirus 71.

Biến chứng của bệnh tay chân miệng

Đôi khi virus gây bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm, bao gồm: 

Mất nước

Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng. Mất nước là do trong miệng trẻ có vết loét đau, khiến trẻ khó uống và khó nuốt. Đi tiểu ít hơn bình thường là dấu hiệu mất nước ở trẻ. Với trẻ sơ sinh, dùng ít hơn 6 tã/bỉm trong một ngày. Ở trẻ nhỏ (1 - 3 tuổi), không đi tiểu trong hơn 6 tiếng có thể là dấu hiệu mất nước. 

Tổn thương móng tay hoặc móng chân

Nếu có một vết phồng rộp xuất hiện bên dưới móng tay hoặc móng chân thì trẻ có nguy cơ bị mất móng tay hoặc móng chân đó. Tuy nhiên, sự mất mát này chỉ là tạm thời, bởi móng sẽ mọc lại. 

Biến chứng bệnh tay chân miệng có thể rất nguy hiểm

Nhiễm trùng cơ hội

Khi hệ miễn dịch của trẻ đang phải "vất vả" để chống lại virus, cơ thể của trẻ sẽ dễ bị các mầm bệnh cơ hội khác. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bệnh tay chân miệng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và virus khác. 

Viêm màng não

Đây là một biến chứng hiếm gặp khi virus tìm đường vào não, lây nhiễm màng não - là lớp ngoài của mô bao bọc não. Nhiễm trùng dẫn đến viêm màng não do virus. 

Viêm não

Đây là biến chứng tay chân miệng hiếm gặp nhất. Trong trường hợp này, virus lây nhiễm vào não, gây viêm nghiêm trọng mô não. 

Hội chứng liệt mềm cấp (Acute flaccid paralysis)

Hội chứng này làm suy yếu các cơ hô hấp và làm giảm khả năng nuốt. 

Nhiễm trùng thứ phát

Những vết loét đỏ khiến trẻ ngứa ngáy, gãi mạnh. Điều này dễ dẫn đến nhiễm trùng thứ phát.

Suy tim

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể xâm nhập vào tim, gây suy tim, nhưng cực kỳ hiếm. 

Dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Phụ nữ mang thai bị tay chân miệng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là có liên quan đến các vấn đề về tim của thai nhi. Tuy nhiên, đây là biến chứng tay chân miệng hiếm gặp, bởi hiếm khi virus có thể đi qua nhau thai. 

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ hồi phục tốt mà không bị biến chứng. Tuy nhiên, một số trẻ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus trong 1 hoặc 2 tuần, ngay cả sau khi đã khỏi bệnh. Bởi vậy, luôn luôn có ý thức phòng bệnh không bao giờ là thừa.

Vân Anh H+ (Theo momjunction/medicalnewstoday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ