Bồi bổ sai cách, yếu mẹ mệt con

Có thai hơn sáu tháng nhưng bụng của chị Y. (Long An) đã “vượt mặt”. Nhìn chị đi khám thai tại một bệnh viện ở TP.HCM, nhiều người nghĩ chị Y. sắp sinh đến nơi rồi. “Bác sĩ đang bảo tôi ăn ít lại, hạn chế đồ ngọt, tinh bột vì em bé to quá. Huyết áp mẹ đang lên, sợ nhiều nguy cơ” - chị Y. phân trần. Có lẽ một phần nguyên nhân của việc này là do chị “mải miết” ăn đồ ngọt, ăn trứng ngỗng.

Người ăn tối đa, người sợ tăng cân

PGS.TS Lưu Thị Hồng - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế - kể chuyện ăn thứ này khỏe, thứ kia tốt cho thai nhi lan truyền rất nhanh ở phụ nữ mang thai. Một dạo tại một số tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh..., rất nhiều phụ nữ mang thai “xui nhau uống nước mía” với mong muốn không những con sinh ra sạch sẽ, ít nhớt mà còn bổ dưỡng cho thai nhi về trí tuệ và cả “sắc đẹp” nữa.

Thai phụ cần tránh:

- Uống rượu, cà phê vì ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ
- Hút thuốc gây tình trạng trẻ nhẹ cân, dễ bị sẩy thai, sinh non; uống trà nhiều làm giảm hấp thu sắt, mẹ dễ thiếu máu...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - phó chủ tịch Hội Phụ sản khoa và sinh đẻ có kế hoạch VN, chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - cho biết ngoài nước mía, danh sách thực phẩm, thức uống bổ dưỡng mà phụ nữ mang thai nghĩ có thể ăn uống tối đa còn “dài”. Nhiều người ăn quá nhiều đồ ngọt, tinh bột với ý nghĩ để con to, khỏe; uống nước ngọt có gas để không bị táo bón, dễ tiêu hóa. Một số bà mẹ ăn quá nhiều trứng gà, vịt, ngỗng với mong muốn con đẹp, thông minh. Một số bà mẹ khác lại ăn nhiều trứng vịt lộn với mong muốn con “nhiều tóc” hay uống nhiều nước dừa để con “trắng như trứng gà bóc”. Một số phụ nữ lại chỉ ăn thịt, cá, tôm, cua, ăn mặn mà không chịu ăn rau xanh vì nghĩ... rau không có chất gì. Ở chiều trái ngược, nhiều phụ nữ do sợ tăng cân nhiều, sợ “mất dáng sau sinh”, con to khó đẻ lại chọn đến giải pháp ăn kiêng, chỉ ăn tinh bột hoặc trái cây, hạn chế ăn thịt, cá, thậm chí hạn chế cả uống các loại sữa.

Nguy hiểm cho cả mẹ và con

PGS.TS Lưu Thị Hồng cho biết phần lớn trong số phụ nữ “xui nhau uống nước mía” trong thai kỳ mong muốn con sinh ra to để dễ nuôi. Nhưng việc uống nhiều nước mía và các thực phẩm, thức uống có nhiều đường khác chưa hẳn tốt cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Người có đường huyết bình thường uống nước mía sạch thì không có gì là không tốt, nhưng mang thai mà uống quá nhiều thì không nên. Vì thành phần cơ bản của nước mía là đường, uống nhiều đường dễ no bụng, nhiều năng lượng mà dinh dưỡng không nhiều. Trong khi đó, phụ nữ mang thai cần nhiều vi chất, cần ăn, uống đa dạng. Không những vậy, việc tiếp nhận nhiều đường trong thai kỳ còn khiến người mẹ dễ bị đường máu cao, tiểu đường thai kỳ, nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

“Nhiều phụ nữ cứ thích sinh con to, càng to càng tốt. Nhưng trẻ sinh ra càng to càng nhiều tai biến” - PGS.TS Lưu Thị Hồng cho biết. Theo bà Hồng, những em bé sinh ra với cân nặng từ 3-3,5kg sẽ dễ chăm sóc hơn so với những bé từ 4kg trở lên. Đối với những bé có cân nặng lớn, ngay khi sinh xong đội ngũ y bác sĩ phải theo dõi cơ chế đái tháo đường để không bị hạ đường huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, những trẻ có cân nặng lớn còn hay mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Tỉ lệ trẻ sinh ra to “bất thường” và tỉ lệ phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ ngày một tăng, một phần cũng có nguyên nhân từ việc bồi bổ sai lầm của nhiều phụ nữ mang thai hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng phân tích thêm ăn uống trong thai kỳ của phụ nữ mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cả mẹ và con. Bà từng gặp nhiều trường hợp bị băng huyết sau sinh do thiếu máu khi trong thai kỳ vì sợ tăng cân nhiều nên ăn kiêng. Có trường hợp mẹ bị tiền sản giật, cứu được con thì đã không còn mẹ, thậm chí tử vong cả con lẫn mẹ do mẹ không chịu ăn rau, ăn quá mặn trong thai kỳ. Lại có trường hợp người mẹ uống nước dừa khi bụng đói, ngất xỉu ngay trên bàn siêu âm...

Dinh dưỡng trong thai kỳ cần ăn uống đủ chất, cân đối giữa bốn nhóm gồm: đạm, bột đường, béo và rau củ, trái cây. Việc ăn uống một chất nào quá mức làm mất cân đối bốn nhóm dinh dưỡng đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ.

Để ăn uống đúng với tình trạng sức khỏe của từng người, bác sĩ Phượng khuyến cáo thai phụ cần khám thai đều đặn. Ngoài những chỉ định, tư vấn thông thường, khám thai đều đặn còn giúp những người mẹ được làm các xét nghiệm dị tật thai nhi, bệnh lý thiếu máu Thalassemia, các bệnh lý trong thai kỳ...

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp