Phục hồi ngón tay cho người bệnh tai nạn lao động

Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng tạo hình gân gấp 2 ngón chân thành ngón tay cho người bệnh tai nạn lao động - Ảnh: HMUH

Lần đầu tiên điều trị thành công ung thư hạch bằng 2 kỹ thuật cao

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thành lập Khoa Phụ sản

Hệ thống hồi sức cấp cứu có vai trò vô cùng quan trọng giành mạng sống người bệnh

5 bệnh viện tham gia phục vụ Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đây phẫu thuật thành công chuyển 2 ngón chân tạo hình 2 ngón tay cho nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động. Bệnh nhân bị máy làm gạch cuốn đứt hoàn toàn bàn tay phải, nhổ toàn bộ gân gấp và duỗi các ngón tay phải từ I đến V. Sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện huyện và một số cơ sở y tế khác trước khi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

BS Hoàng Hồng - Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện với tổn thương phức tạp, chi đứt tổn thương dập nát, bị nhổ hết các gân gấp duỗi ngón tay.  

Sau thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là một ca lâm sàng khó. “Bệnh nhân đến muộn, xử lý bảo quản phần chi đứt rời chưa đúng cách, các bác sĩ tiên lượng trong các ngón tay, có ngón III còn có hy vọng phục hồi nên đã quyết định thực hiện vi phẫu nối giữ ngón III, chuyển ngón III thành ngón cái trong ca mổ cấp cứu”, BS Hoàng Hồng cho biết.

Sau chuyển ngón III thành ngón cái thành công, phần mềm tay tổn thương được điều trị ổn định, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lần 2 lấy 2 ngón chân đưa lên tạo hình 2 ngón tay nhằm tạo cung cầm nắm cho bệnh nhân.

Các bác sĩ sử dụng gân gan tay dài để tạo gân ghép, sử dụng các gân gấp duỗi cổ tay để tái tạo gân gấp duỗi ngón cái và tái tạo gân gấp duỗi ngón tay để nối với gân của ngón bàn chân chuyển lên, giúp cho các ngón tay ghép vận động được các động tác gấp duỗi. BS Hồng cho hay, đây là kỹ thuật khó, cần các phẫu thuật viên kinh nghiệm chuyên sâu. Trường hợp này cũng là ca bệnh chưa từng thực hiện hay báo cáo trước đây.

Sau đó, ekip thực hiện nối động tĩnh mạch phục hồi tuần hoàn, nối dây thần kinh để phục hồi cảm giác. Ca mổ diễn ra thuận lợi trong 6 tiếng.

Sau khi được mổ chuyển 2 ngón chân tạo thành 2 ngón tay, bệnh nhân đã sử dụng được bàn tay mới, thậm chí có thể xâu kim và vẽ tranh - Ảnh: HMUH

Sau khi được mổ chuyển 2 ngón chân tạo thành 2 ngón tay, bệnh nhân đã sử dụng được bàn tay mới, thậm chí có thể xâu kim và vẽ tranh - Ảnh: HMUH

Tuần thứ hai sau khi mổ, các ngón tay ghép từ ngón chân hồng ấm, sống hoàn toàn. Bàn tay mới chỉ còn 3 ngón, nhưng bệnh nhân đã có thể thực hiện các động tác trong sinh hoạt như tự buộc tóc, cầm đũa. Thậm chí, bệnh nhân có thể sử dụng bàn tay với các ngón tay được ghép vào những hoạt động tinh xảo như xâu kim, vẽ tranh tặng cho người thân cũng như nhân viên y tế. 

Từ ca bệnh này, BS Hồng khuyến cáo, để tránh xảy ra các tai nạn lao động đáng tiếc thì người dân nên tuân thủ các quy định về an toàn lao động, sử dụng bảo hộ lao động an toàn, hợp lý theo quy định.

Nếu không may xảy ra tai nạn lao động đứt rời chi thì phần chi thể đứt rời phải được xử lý bảo quản đúng: Rửa sạch phần chi đứt rời dưới vòi nước, bọc kín bằng gạc sạch cho vào túi nylon cột kín, rồi cho vào thùng nước đá lạnh và đưa bệnh nhân tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu có thể cấp cứu, xử lý phẫu thuật cho bệnh nhân.

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn