Cách ngăn ngừa khởi phát cơn đau tim khi vào Hè

Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể có nguy cơ bị say nắng, rối loạn nhịp tim, đau tim...

Đau tim thầm lặng nguy hiểm thế nào, có dấu hiệu cảnh báo không?

Israel xác định được nguyên nhân người bệnh COVID-19 bị đau tim, đột quỵ

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim và cách phòng ngừa hiệu quả

Bạn có thể làm gì để phòng xơ vữa động mạch?

Không chỉ mùa Đông, cái nóng mùa Hè cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đặc biệt nếu bạn đang bị bệnh tim, đái tháo đường hoặc cholesterol cao. Theo một nghiên cứu, nhiệt độ quá cao có thể làm hạ huyết áp, khiến tim đập nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bị đau tim.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu đã theo dõi khoảng 27.000 bệnh nhân đau tim từ năm 1987 đến năm 2014 và phát hiện ra rằng từ năm 2001 đến năm 2014, khi nhiệt độ trung bình cao hơn bình thường, số lượng các cơn đau tim tăng lên.

Ngoài ra, trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, tim càng phải bơm nhiều máu hơn để bình thường hóa nhiệt độ cơ thể. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và làm tăng nguy cơ đau tim vào mùa Hè.

Tiến sỹ Gajinder Kumar Goyal, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Siêu chuyên khoa QRG, Faridabad, cho biết, vào mùa nóng, cơ thể cố gắng tự làm mát bằng cách chuyển máu từ các cơ quan chính xuống dưới da. Sự thay đổi này đòi hỏi tim bơm máu nhiều hơn, khiến nó bị căng thẳng quá mức. Mất nước cũng khiến tim căng thẳng và có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, một số loại thuốc tim như: Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB), thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc lợi tiểu... có thể làm tăng phản ứng của cơ thể với nhiệt độ và khiến bạn dễ bị ốm trong mùa Hè.

Nhiệt độ quá cao có thể gây hại cho sức khỏe đối với bất kỳ ai, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người bị tăng huyết áp, béo phì hoặc có tiền sử bệnh tim và đột quỵ.

Mẹo giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh trong thời tiết oi nóng

- Giữ cho cơ thể luôn đủ nước: Thường xuyên uống nước và tránh đồ uống có chứa caffein hoặc cồn.

- Tốt nhất bạn nên ở trong nhà vào đầu buổi chiều (khoảng giữa trưa đến 3h chiều) vì đây là thời điểm nắng nóng nhất, khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao hơn.

- Nên mặc quần áo nhẹ, sáng màu bằng các loại vải thoáng khí như: Cotton hoặc các loại vải có thể chống thấm mồ hôi tốt.

- Đừng quên nghỉ giải lao thường xuyên: Nếu môi trường làm việc của bạn phải tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời, bạn nên tìm một nơi có bóng râm hoặc nơi mát mẻ để nghỉ ngơi, uống nước và sau đó mới tiếp tục làm việc.

- Tiếp tục dùng tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Những dấu hiệu của sự kiệt sức do nhiệt 

- Đau đầu

- Đổ quá nhiều mồ hôi

- Da lạnh, ẩm, ớn lạnh

- Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu

- Chuột rút cơ bắp

- Thở nhanh, thở không sâu

- Buồn nôn, nôn mửa hoặc cả hai.

Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, ngay lập tức đến một nơi mát mẻ hơn, ngừng tập thể dục và hạ nhiệt bằng cách chườm lạnh và bổ sung nước. Nếu các dấu hiệu không giảm bạn có thể yêu cầu chăm sóc y tế.

Các dấu hiệu khi bạn cần gặp bác sỹ

- Da khô, ấm mà không đổ mồ hôi

- Lú lẫn hoặc bất tỉnh

- Sốt cao

- Đau đầu nghiêm trọng.

 
Lê Tuyết ( Theo Hindustan Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch