Bảo vệ sức khỏe trong những ngày trời mù sương

Sương mù ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tham gia giao thông (Ảnh minh họa: Sơn Tùng)

Sương mù và ô nhiễm không khí bao trùm Hà Nội

Mẹo trị cảm lạnh mùa Đông đơn giản tại nhà

5 vấn đề sức khỏe có thể nghiêm trọng hơn trong mùa Đông

Có nên chăm sóc da mùa Đông với dầu dừa?

Tác hại của sương mù

Sương mù là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ, lơ lửng trong không khí và làm giảm tầm nhìn khi tham gia giao thông.

Sương mù hình thành khi thời tiết thỏa mãn những điều kiện sau: Độ ẩm không khí tương đối cao, nhiệt độ không khí tương đối thấp, tốc độ gió yếu hoặc lặng gió. Ở nước ta, sương mù thường xuất hiện vào các tháng từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa Đông.

Sương mù dày đặc có khả năng lưu lại bụi, khói và các chất gây ô nhiễm không khí khác. Việc hít phải chúng khiến cơ thể dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp, như: Viêm phổi, viêm dị ứng đường hô hấp... Ngoài ra, sương mang độ ẩm lớn, nhiệt độ thấp, sự chênh lệch nhiệt độ và môi trường ẩm ướt dễ làm tổn thương những cơ quan hô hấp yếu.

Trong điều kiện sương mù, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương gồm: Trẻ em, người già, người có vấn đề đường hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, người hút thuốc), người mắc bệnh tim mạch và người có cơ địa dễ dị ứng.

Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết sương mù

Chế độ ăn uống

Thực phẩm giàu vitamin C hỗ trợ bảo vệ cơ thể trong ngày sương mù

Để bảo vệ hệ miễn dịch trong những ngày mùa Đông có sương mù, bạn cần chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất. Vitamin A, C và D là những vi chất có vai trò quan trọng với sức đề kháng, giúp ngăn ngừa tác động tiêu cực của các chất oxy hóa tới cơ thể.

Ngoài ra, bạn cần uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng da khô, môi nứt nẻ. Làn da là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các chất gây ô nhiễm như bụi mịn có trong sương mù.

Hạn chế ra ngoài

Những đối tượng nhạy cảm như trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh đường hô hấp và tim mạch nên cố gắng giảm thiểu hoạt động ngoài trời. Mọi người cần hạn chế mở cửa sổ trong những ngày trời ô nhiễm và có sương mù. Sử dụng than hoạt tính hoặc máy lọc không khí giúp cải thiện độ ẩm và chất lượng không khí trong nhà.

Bảo vệ sức khỏe khi di chuyển ngoài trời

Đeo khẩu trang PM2.5, khẩu trang than hoạt tính khi di chuyển ngoài trời

Trong những ngày xuất hiện sương mù dày đặc, bạn nên tránh ra đường quá sớm bởi nồng độ bụi mịn trong không khí lúc này thường cao hơn bình thường. Khi phải ra đường, bạn cần sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để bảo vệ đường hô hấp.

Bạn nên mặc đủ ấm để cơ thể đảm bảo thân nhiệt, tránh sương xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Phụ huynh nên cho con trẻ mặc áo khoác ngoài không thấm nước hoặc áo mưa, đặc biệt là những ngày sương muối.

Khi chỉ số chất lượng không khí chạm ngưỡng kém (trên 100), người dân cần hạn chế tập thể dục ngoài trời. Thay vào đó, bạn nên chọn các bài tập trong nhà nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe mà không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Vệ sinh cá nhân

Vệ sinh mũi với nước muối sinh lý để bảo vệ hệ hô hấp

Trong những ngày sương mù dày, bạn cần đặc biệt lưu ý tới các biện pháp vệ sinh mắt, mũi, họng với nước muối sinh lý. Bạn nên rửa mặt với nước ấm để loại bỏ hoàn toàn bụi mịn bám trên da khi di chuyển ngoài trời.

Ngoài ra, các gia đình nên lưu ý không phơi quần áo qua đêm ngoài trời. Sương mù bám vào quần áo gây ẩm ướt, dễ khiến nấm mốc hình thành và dẫn tới các bệnh da liễu, dị ứng.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp