Tỷ lệ tiêm chủng sởi trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 sau đại dịch - Ảnh: AFP.
Cách cải thiện triệu chứng ngứa ngáy do sởi
Cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch!
Vì sao TP.HCM phải công bố dịch sởi quy mô toàn thành phố?
WHO: Hơn một nửa thế giới đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch sởi
Báo cáo chung của WHO và CDC Mỹ cho biết, nguyên nhân của sự gia tăng các ca bệnh có thể phòng ngừa này là do việc tiêm chủng không đầy đủ trên toàn cầu. Bệnh sởi là một trong những bệnh dễ lây nhiễm nhất trên thế giới và cần đạt độ bao phủ 2 mũi vaccine phòng sởi/rubella lên ít nhất 95% để ngăn ngừa các đợt bùng phát.
Thống kê của WHO và CDC cho thấy, hơn 22 triệu trẻ em đã không được tiêm mũi đầu tiên của vaccine sởi 2 liều vào năm 2023. Trên toàn cầu, khoảng 83% trẻ em đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine vào năm ngoái và 74% đã được tiêm mũi thứ hai.
Theo CDC, một người bị nhiễm bệnh có thể lây lan căn bệnh này cho tới 90% người gần gũi với họ nếu những người này không có miễn dịch.
“Số ca nhiễm sởi đang gia tăng trên toàn cầu, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe. Vaccine sởi là biện pháp bảo vệ tốt nhất của chúng ta chống lại loại virus này và chúng ta phải tiếp tục đầu tư vào các nỗ lực để tăng cường khả năng tiếp cận”, Giám đốc CDC Mandy Cohen cho biết, theo NBC News.
Ước tính, loại virus gây phát ban, sốt và các triệu chứng giống cúm, song có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ này đã cướp đi sinh mạng của 107.500 người trong năm 2023, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, giảm 8% so với năm 2022.
WHO và CDC Mỹ lý giải nguyên nhân số ca tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi giảm là do số ca mắc gia tăng ở những nước và khu vực có điều kiện dinh dưỡng và khả năng tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường bao gồm sốt cao, ho, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), sổ mũi, các đốm trắng trong miệng và phát ban lan từ đầu đến chân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất gặp các biến chứng nghiêm trọng do căn bệnh này như viêm phổi hoặc sưng não.
Đáng nói, tỷ lệ tiêm chủng sởi trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 sau đại dịch.
WHO và CDC cho biết, do khoảng cách tiêm chủng trên toàn thế giới, gần 60 quốc gia vào năm 2023 đã "trải qua các đợt bùng phát sởi lớn hoặc gây gián đoạn vào năm 2023, ảnh hưởng đến tất cả các khu vực ngoại trừ Châu Mỹ", tăng gần 60% so với 36 quốc gia vào năm 2022.
Châu Âu bị bủa vây bởi dịch bệnh sởi
Theo Euronews, một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho biết, từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, 30 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Khu vực kinh tế Châu Âu ghi nhận hơn 18.000 ca mắc sởi.
Trong đó, Romania là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất EU, với hơn 14.000 ca được báo cáo trong giai đoạn này.
Còn theo báo cáo chung mới đây của WHO và CDC, số ca mắc bệnh sởi tại khu vực Châu Âu đã tăng hơn 200% trong năm 2023. Cụ thể, khu vực này ghi nhận hơn 306.000 ca mắc bệnh, tăng mạnh so với con số khoảng 99.700 ca vào năm 2022.
Mặc dù số ca mắc bệnh tại Châu Âu tăng mạnh, tỷ lệ vẫn tương đối thấp so với các khu vực khác. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với ước tính khoảng 4,8 triệu ca mắc bệnh sởi trong năm 2023, chiếm gần một nửa tổng số các đợt bùng phát lớn và nghiêm trọng. Đông Nam Á là khu vực đứng thứ hai với khoảng 2,9 triệu ca mắc bệnh sởi.
Theo WHO, để cứu được nhiều mạng sống hơn nữa và ngăn chặn loại virus chết người này gây hại cho những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta phải đầu tư vào việc tiêm chủng cho mọi người, bất kể họ sống ở đâu.
"Vaccine sởi đã cứu sống nhiều người hơn bất kỳ loại vaccine nào khác trong 50 năm qua", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết trong một tuyên bố.
WHO và CDC Mỹ cũng lưu ý, vẫn còn quá nhiều trẻ em tử vong vì căn bệnh có thể phòng ngừa này, đồng thời cảnh báo nguy cơ không đạt được mục tiêu toàn cầu xóa sổ bệnh sởi như bệnh lưu hành. Đến cuối năm 2023, mới có 82 nước đã đạt được hoặc duy trì mục tiêu xóa sổ bệnh sởi.
Bình luận của bạn