Nên tránh tập luyện ngoài trời trong những ngày quá nóng và ẩm
Huyết áp cao nên ăn uống và tập luyện như thế nào?
7 ý tưởng cho bữa ăn nhẹ sau khi tập luyện
Bạn cần tập luyện thế nào để đốt cháy calories sau khi ăn vặt?
Thoái hóa đốt sống cổ tập luyện thế nào?
Trong những ngày nắng nóng, tốt nhất bạn nên hạn chế đi ra ngoài và tránh tập thể dục thể thao ngoài trời. Tuy nhiên, nếu không muốn quá trình tập luyện bị gián đoạn, bạn nên nắm được những biện pháp bảo vệ và phòng ngừa những rủi ro do nắng nóng:
Tập luyện vào sáng sớm hoặc buổi tối
Nhiệt độ ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối thường thấp hơn các thời điểm khác trong ngày. Đây cũng là thời điểm lý tưởng nếu bạn muốn tập luyện ngoài trời.
Tuy nhiên, bất kể vào thời điểm nào trong ngày, bạn cũng nên lựa chọn tập luyện ở những nơi có bóng râm, có mái che hoặc nhiều cây cối.
Trang phục phù hợp
Đừng tiếc tiền đầu tư trang phục tập thể dục thể thao. Nên ưu tiên quần áo làm bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, nhẹ, thoáng khí và có khả năng chống nắng (được chứng nhận chỉ số UPF ).
Bạn cũng đừng quên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 1 - 2 giờ khi ở ngoài trời, đặc biệt sau khi ra nhiều mồ hôi.
Tránh ngày nóng và ẩm
Nếu cơ thể tiết ra mồ hôi nhưng độ ẩm trong không khí lại cao, thì việc điều hòa thân nhiệt khi tập luyện ngoài trời sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì lý do này, bạn không nên tập thể dục thể ngoài trời trong những ngày quá nóng và ẩm. Thay vào đó, hãy tập luyện trong nhà hoặc phòng tập gym.
Điều chỉnh cường độ tập luyện và thời gian tập luyện phù hợp với thể trạng, nhu cầu của bản thân cũng là điều vô cùng quan trọng.
Đừng để cơ thể mất nước
Mất nước là mối lo ngại chủ yếu khi tập luyện ngoài trời. Bạn nên mang theo người nước lọc và đồ uống bổ sung điện, đặc biệt nếu bạn luyện tập trong thời gian dài. Hãy uống nước thường xuyên trong suốt và ngay sau quá trình tập luyện.
Nếu nước tiểu của bạn có màu vàng hoặc sẫm màu hơn, có nghĩa là cơ thể có thể đang bị mất nước.
Biết giới hạn của bản thân
Tập luyện ngoài trời nắng nóng có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể nóng, lúc này thân nhiệt có thể đạt tới 40 độ C hoặc cao hơn. Tình trạng này rất nguy hiểm, nếu không cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tổn thương nội tạng, choáng ngất, thậm chí có thể gây tử vong. Các dấu hiệu và triệu chứng sốc nhiệt cần chú ý bao gồm: Buồn nôn và nôn, lú lẫn, nhịp tim nhanh và thở gấp.
Tuy không nghiêm trọng như sốc nhiệt, kiệt sức do nhiệt cũng là một tình trạng thường gặp do ở lâu trong môi trường nắng nóng. Các dấu hiệu và triệu chứng của kiệt sức do nhiệt cần chú ý bao gồm: Yếu cơ, đau đầu, chóng mặt và đổ mồ hôi nhiều. Nếu bạn bắt đầu trải qua bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của kiệt sức do nhiệt, hãy ngừng hoạt động thể chất ngay lập tức, di chuyển vào nơi râm mát, thoáng khí và bổ sung thêm nước.
Bình luận của bạn