Chứng say độ cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người (Ảnh: Wellcare)
Mướp đắng có tác dụng gì với mái tóc?
Nha đam có tác dụng giảm đau bụng kinh hiệu quả
Mỹ: Ít nhất 75 người bị nhiễm E.coli liên quan McDonald's
Nghe nhạc liên tục có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe không?
Vợ chồng tôi ấp ủ một chuyến du lịch Tây Tạng từ lâu. Thông tin chỉ dẫn du lịch cho biết đó là miền núi, có độ cao trung bình quãng gần 5.000m so với mực nước biển, không khí loãng, cảnh báo dễ mắc hội chứng say độ cao. Hội chứng này thường xuất hiện khi con người lên đến độ cao trên 2.400m, nhưng cũng không phải ai cũng bị ảnh hưởng. Các chỉ dẫn khái quát về hội chứng này cho biết, say độ cao có thể biến chứng thành phù phổi hoặc phù não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong!
Thế nên, cẩn tắc vô áy náy, chúng tôi thu xếp một chuyến du lịch Cửu Trại Câu - nơi có cảnh quan được quảng bá là “thiên đường nơi hạ giới” để lượng sức mình, để xem cơ thể mình chịu đựng đến độ cao nào.
Cửu Trại Câu là một thắng cảnh thuộc tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1992, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997. Danh thắng nằm ở rìa phía Tây Nam của cao nguyên Tây Tạng, trên cao độ 2.500m, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên còn lưu giữ nguyên vẻ hoang sơ với trùng trùng núi non, những thác nước đa tầng và hồ nước trong xanh thăm thẳm nằm ở các cao độ khác nhau, lại được tô điểm bởi những rừng cây lá vàng, lá đỏ...
Cửu Trại Câu được ví như bức tranh phong cảnh 4 mùa khoe sắc, và bức tranh trở nên rực rỡ hơn cả vào mùa Xuân và mùa Thu.
Chúng tôi chọn thời điểm lên đường vào mùa Thu, quãng thời gian Cửu Trại Câu được miêu tả là bức tranh thiên nhiên đa màu sắc giao hòa, là mùa đẹp nhất trong năm. Điều đáng tiếc là, chúng tôi đã không thể thưởng ngoạn được hết bức tranh thiên nhiên đa sắc màu ấy bởi các đoàn khách du lịch đông đảo chen chúc, ồn ào. Rất khó mà tìm được một góc máy đẹp nào mà không bị chen lấn, xô đẩy. Chỉ riêng việc xếp hàng qua cửa soát vé và chen lên xe bus điện đưa tới các điểm tham quan đã thấy oải. Mặc dù công tác tổ chức rất chuyên nghiệp, quy củ, xe cộ nối nhau chạy liên tục rất nhanh nhưng bởi lượng du khách quá đông nên không tránh khỏi sự bức bách, ngột ngạt.
Riêng với vợ chồng tôi còn xảy ra sự cố sức khỏe, bị hội chứng say độ cao nên đành phải bỏ dở chương trình thăm quan một số điểm check-in. Chả là trên đường di chuyển giữa các điểm check-in ở độ cao trên 3.000m, khi chen được lên xe bus, tôi không thể kiếm được chỗ ngồi, đành phải ngồi bệt xuống sàn xe vì nếu đứng thì người lắc lư liên tục vì đường quanh co mà xe chạy với tốc độ rất nhanh. Chỉ được chừng mươi phút, tôi đã cảm thấy nôn nao khó chịu. Vận hết sức, tôi hít vào thật sâu và thở ra thật chậm. Chừng nửa tiếng, khi dường như đã tới hạn sức chịu đựng thì cũng may là tới điểm dừng chân nghỉ trưa. Leo được ba tầng gác, đặt mình xuống ghế tôi có cảm giác như người hết hơi, đờ đẫn, không đứng lên được. Đến bữa nhưng chẳng còn thiết ăn gì cả, nuốt không nổi 2 cái bánh quy.
Vợ tôi từng đi đây đó nhiều, đã từng leo đến tận cùng “xương sống khủng long” ở Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh, cũng chếnh choáng, đau đầu, nhưng vẫn còn đứng lên đi lại được. Thấy tôi như vậy, nhớ tới hội chứng say độ cao đã được cảnh báo trước đó, vợ tôi vội chạy đi tìm cậu hướng dẫn người Trung Quốc yêu cầu kiếm cho chúng tôi bình oxy. Cậu ta còn chần chừ, nói người ta chỉ bán bình oxy ở nơi độ cao trên 4.000m còn ở đây mới 3.000m, chưa chắc đã có người bán. Vợ tôi bèn bảo nếu thế thì gọi xe cấp cứu đưa tôi trở xuống. Thấy vậy, cậu ta chạy đi, lát sau mang tới hai bình oxy cầm tay.
Cậu hướng dẫn người Việt nhìn vợ chồng tôi, nói môi cô chú thâm sì thế kia là thiếu oxy rồi. Hít không khí từ cái bình oxy cầm tay giống như cái bình ga du lịch ấy chừng mươi phút là tôi đã đỡ mệt, có thể dựng dậy đi lại được. Nhìn trong đoàn, cũng có mươi anh chị em cùng độ tuổi với vợ chồng tôi đều cảm thấy không được khỏe. Thế là chúng tôi đành bỏ dở chương trình, tìm đường về khách sạn nghỉ ngơi. Trên đường về, thấy cũng có du khách phải dùng bình oxy hít thở như vợ chồng tôi.
Khi đã hoàn hồn sau cú sốc trong chuyến du lịch lần này, bà vợ tôi quyết định chấm hết chương trình “chữa lành” ở Tây Tạng và mấy nước đất Phật như Nepal, Bhutan.
Tôi muốn kể lại sự cố vừa xảy ra với mình để lưu ý mấy cặp bạn đồng niên rằng khi đã ở cái tuổi ngoài 60, không thể chủ quan về sức khỏe cho những chuyến đi “chữa lành” tới những nơi có cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe như thế! Có đi, thì cũng phải “thủ sẵn” cho mình mấy cái bình “không khí” be bé và thuốc chống say độ cao.
Bình luận của bạn