Với nhiều bậc phụ huynh, hãm cân cho trẻ còn khó gấp nhiều lần so với thúc trẻ ăn
Dậy thì sớm vì béo phì
Ánh sáng xanh giúp giảm cân hiệu quả
Béo phì khi bầu, con dễ chết yểu
WHO: Béo phì gây ra nửa triệu ca ung thư mỗi năm
Mẹ bầu uống thuốc kháng sinh, con dễ bị béo phì
Thích con tròn, mũm mĩm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ) công bố trên tạp chí Paediatrics (Nhi khoa) sau khi tổng hợp 69 nghiên cứu được tiến hành trên toàn thế giới từ năm 1990 đến 2012, với sự tham gia của 15.000 trẻ em từ 2 - 18 tuổi. Các chuyên gia phát hiện 51% phụ huynh đánh giá cân nặng của trẻ thấp hơn thực tế. Điều đó có nghĩa, các mẹ không cho rằng bé vượt quá chuẩn cân nặng, thậm chí có người lại nghĩ rằng con mình vẫn còn đang thiếu cân.
Tại Việt Nam, hầu hết các mẹ từ xưa đến nay cũng luôn có quan niệm thích con tròn, mũm mĩm. Thêm vào đó, cân nặng của con trẻ dường như lại chính là thước đo duy nhất để mọi người đánh giá độ chăm con "mát tay" của người mẹ. Chính vì vậy, nhiều chị em thường làm mọi cách để giúp con “ăn nhiều chóng lớn” hoặc nuông chiều theo sở thích ăn uống của con với các món gà rán, nước ngọt có gas hay váng sữa….
Trường hợp con trai chị Tuyết (nhà ở Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) là một ví dụ. Chị cho hay, lúc con gần một tuổi, bé hơi còi so với các bạn nên chị dồn sức ép con ăn được càng nhiều càng tốt. Không ngờ, cứ theo đà đó, bé cứ thế bụ bẫm dần và tới giờ, chị thấy việc hãm con tăng cân còn khó gấp nhiều lần lúc phải thúc bé ăn. "Cả nhà đều phải chuyển sang chế độ hạn chế các món ngọt, món dễ béo vì sợ nhìn bố mẹ ăn con sẽ thèm. Trong tủ lạnh chỉ có sữa chua và trái cây. Bếp cũng không bao giờ trữ mì tôm vì khi đói cháu có thể bẻ ăn sống", chị Tuyết kể. Thế nhưng nhiều khi thấy bé kêu “mẹ ơi con đói lắm, con không chịu được”, là chị lại không kìm nổi lòng. Cứ thế ngày này sang ngày khác, “bé chả giảm được cân nào lại còn tăng thêm đến 3kg”, chị Tuyết thở dài.
Hầu hết các mẹ đều thích con tròn, mũm mĩm
Tương tự với con trai chị Tuyết là con gái chị Ánh (Long Biên, Hà Nội), chị chia sẻ, con gái chị ăn rất tốt, thấy con ăn được, hàng xóm lại khen chị chăm con khéo béo khỏe hồng hào nên chị lại càng bồi bổ cho con. Chỉ đến khi con gái tròn vo như quả bóng, đi đâu ai cũng ý nhị chê “bé nhà chị bụ bẫm quá!” thì chị Ánh mới tá hỏa giảm cân cho con. Cứ tưởng dễ ai ngờ… "khổ quá, cấm cháu ở nhà thì cháu lại tìm cách sang nhà ông bà, người thân để ăn bù, thành ra béo vẫn hoàn béo”, chị Ánh ngán ngẩm.
Không thể bắt con trẻ nhịn ăn
ThS. Doãn Thị Tường Vy - Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết, thừa cân, béo phì là nguy cơ tiềm ẩn cho việc tăng nhanh các bệnh như huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa... ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành. Ngoài ra, về tâm lý, khi bị béo phì, trẻ hay bị bạn trêu trọc nên dễ mặc cảm, tự ti, không hòa nhập các hoạt động sinh hoạt, học tập, vui chơi... Vì lý do này, như một vòng luẩn quẩn, trẻ càng ít vận động hơn và có thể lại lấy niềm vui là ăn uống và ngày càng quá cân. Mặt khác, những bé càng mũm mĩm thì xương phát triển không kịp, nguy cơ còi xương rất dễ xảy ra, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.
Theo BS. Hoàng Thanh Thủy - Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng I, nguyên nhân của tình trạng trẻ béo phì có thể là do di truyền, do cân nặng lúc sinh của trẻ quá lớn, do trẻ háu ăn, thường xuyên ăn các thức ăn giàu năng lượng, ít hoạt động thể lực…
ThS. Doãn Thị Tường Vy nhấn mạnh: "Cuộc chiến chống tăng cân khó với cả người lớn nữa là với trẻ con. Hơn nữa, với trẻ tuổi đang phát triển, không thể bắt các em nhịn ăn để hãm cân. Bé nhịn ăn sẽ không chịu được như người lớn. Mặt khác bé còn phải đi học, nếu bé không ăn uống đủ ngồi trên lớp bé hay ngủ gật, không tập trung nghe giảng và tiếp thu bài được. Vì vậy, muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, trước tiên khẩu phần ăn vẫn phải đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, kết hợp chế độ hoạt động thích hợp theo lứa tuổi của trẻ".
Đồng quan điểm, BS. Thủy đưa ra một số nguyên tắc điều trị béo phì. Đầu tiên cần xác định cân nặng cần có ở độ tuổi của trẻ và thường xuyên theo dõi cân nặng. Áp dụng các nguyên tắc ăn uống hợp lý. Trong chế độ ăn uống, trẻ nên ăn thịt nạc, cá, hải sản, đậu hũ, uống sữa không béo, không đường. Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau củ, trái cây ít ngọt. Cụ thể, nên hạn chế cho bé ăn các loại quả quá ngọt như xoài, chuối… mà nên cho bé ăn những loại quả ít ngọt hơn như thanh long, dưa hấu, đu đủ…
Mặc dù hãm cân nhưng khẩu phần ăn của bé vẫn phải đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng
Hãm cân trẻ bằng cách hạn chế ăn da, óc, tim, gan, cật, thay các món chiên, quay, xào bằng các món luộc, hấp, kho. Trẻ cần được cho ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều, buổi tối hạn chế ăn trước khi đi ngủ. Tránh ăn khi xem tivi, chơi game. Khi ăn, có thể cho bé ăn bằng chén đĩa nhỏ, nhìn chén đầy, thỏa mãn thị giác trẻ.
Bên cạnh đó, cần lưu ý cho trẻ ăn đều đặn, không bỏ bữa, chỉ ăn khi thật sự đói, nên ăn chậm, nhai kỹ. Cũng không nên để bé quá đói, vì nếu bị quá đói bé sẽ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, các mẹ Việt hiện nay thường có tâm lý dễ mềm lòng trước những lời nói, hành động của con trẻ. Do đó để có thể giảm béo cho trẻ thành công thì ngoài những việc kể trên, người mẹ phải có một tâm lý “cứng như thép” để thoát khỏi sự “cám dỗ” của con trẻ. Có như vậy thì việc giảm cân mới hiệu quả được.
Ngoài ra, khi trẻ đã thừa cân, béo phì, các thành viên trong gia đình cần thống nhất và hợp tác với nhau để đảm bảo bé thực hiện đúng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp... Với các bậc phụ huynh gặp rắc rối vì không được sự ủng hộ của ông bà, người thân trong việc hãm cân cho trẻ, ThS. Tường Vy đưa ra gợi ý: "Bạn có thể đưa cho ông bà, người thân của bé xem các tài liệu nói về mối nguy hiểm khi trẻ thừa cân, béo phì, các cách giúp đỡ trẻ, hoặc nhờ họ cùng đưa con đi khám để lắng nghe bác sỹ phân tích".
Bình luận của bạn