Giải Nobel Y sinh 2023 khẳng định giá trị của công nghệ mRNA

Chân dung 2 nhà khoa học Drew Weissman và Katalin Kariko đoạt Giải Nobel Y sinh 2023 - Ảnh: Nobel.

Khám phá về gene và sự tiến hóa loài người giành Giải Nobel Y sinh 2022

Nobel Y học 2019 đã có chủ: Bước tiến mới trong điều trị ung thư và thiếu máu

Liệu pháp miễn dịch chữa ung thư giành giải Nobel Y học 2018

Nhật Bản đạt giải Nobel y học về nghiên cứu tế bào

Chiều 2/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố Giải Nobel 2023 Y sinh thuộc về nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman với việc phát triển vaccine công nghệ mRNA hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19.

Theo CNN, tuyên bố của Hội đồng Nobel nhấn mạnh công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học trên đã góp phần thúc đẩy sản xuất vaccine với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với con người trong lịch sử hiện đại.

Rickard Sandberg, thành viên của ủy ban Giải thưởng Nobel về y học, cho biết: “Vaccine mRNA cùng với các loại vaccine COVID-19 khác đã được tiêm hơn 13 tỷ lần. Nghiên cứu của họ đã cứu sống hàng triệu người, ngăn chặn COVID-19 nghiêm trọng, giảm gánh nặng bệnh tật nói chung và giúp xã hội mở cửa trở lại.”

Katalin Kariko, nhà hóa sinh người Mỹ gốc Hungary và Weissman, bác sĩ người Mỹ, đều là giáo sư tại Đại học Pennsylvania. Hai nhà khoa học này đã hợp tác trong nhiều thập kỷ để cố gắng tìm cách sử dụng vật liệu di truyền gọi là RNA thông tin hay mRNA để chế tạo vaccine. Công trình nghiên cứu của họ đã trở thành nền tảng để Pfizer và đối tác BioNTech có trụ sở tại Đức, cũng như Moderna, sử dụng phương pháp tiếp cận mới để sản xuất vaccine sử dụng RNA thông tin hoặc mRNA, phòng ngừa hiệu quả đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Hội đồng trao giải, nghiên cứu đột phá của 2 nhà khoa học này đã thay đổi căn bản hiểu biết của con người về cách thức mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của chúng ta. Gunilla Karlsson Hedestam, thành viên hội đồng chấm giải, nhận định công trình của giáo sư Kariko và Weissman "đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của đại dịch".

Ủy ban Nobel cho biết: “Tính linh hoạt và tốc độ ấn tượng mà vaccine mRNA có thể được phát triển sẽ mở đường cho việc sử dụng nền tảng mới cho vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm khác hay một số loại ung thư.”

Lễ công bố Giải Nobel Y sinh 2023 cho nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman - Ảnh: AP

Lễ công bố Giải Nobel Y sinh 2023 cho nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman - Ảnh: AP

Trong khi đó, J. Larry Jameson, phó chủ tịch điều hành của Trường Y UPenn (Mỹ), ca ngợi công trình của các nhà khoa học mà ông cho rằng “đã thay đổi thế giới”. Theo Jameson, hơn 15 năm sau khi hợp tác trong phòng thí nghiệm với tầm nhìn xa trông rộng, Kati và Drew đã để lại dấu ấn lâu dài trong y học.

Với công trình nghiên cứu về vaccine mRNA, hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman cũng đã giành nhiều giải thưởng khác nhau trong đó có cả Giải thưởng khoa học VinFuture của Việt Nam được trao vào năm ngoái.

Lễ trao giải Nobel Y sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế sẽ được trao vào tháng 12 tới tại Stockholm, Thụy Điển trong khi lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ diễn ra tại Oslo, Na Uy. Chủ nhân giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt có tổng trị giá 11 triệu Krona Thụy Điển (tương đương 986.000 USD).

Con đường tới giải Nobel

Theo CNN, Katalin Kariko, 68 tuổi, bắt đầu sự nghiệp của mình ở quê hương Hungary vào những năm 1970, khi nghiên cứu về mRNA còn mới mẻ. Bà, chồng và con gái nhỏ chuyển tới Hoa Kỳ sau khi nhận được lời mời từ Đại học Temple ở Philadelphia, trước khi gia nhập Trường Y UPenn.

Thời điểm đó, sự phấn khích ban đầu cho việc nghiên cứu mRNA đã bắt đầu tan biến. Hy vọng chuyển sang hoài nghi khi ý tưởng của Kariko lúc đó về việc sử dụng công nghệ mRNA chống lại bệnh tật là quá rủi ro về mặt tài chính để được tài trợ.

Kariko đã phải nộp đơn xin trợ cấp hết lần này đến lần khác, nhưng liên tiếp bị từ chối đồng nghĩa với việc vào năm 1995, bà bị giáng chức khỏi vị trí của mình tại UPenn. Cùng lúc đó, bà cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Công nghệ do Katalin Kariko và Drew Weissman phát triển cũng cho thấy tiềm năng chống lại các loại bệnh khác như HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền - Ảnh: CNN

Công nghệ do Katalin Kariko và Drew Weissman phát triển cũng cho thấy tiềm năng chống lại các loại bệnh khác như HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền - Ảnh: CNN

Kariko nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn trong thời kỳ đại dịch vào tháng 12/2020: “Thật khó khăn vì mọi người không tin rằng RNA thông tin có thể là một liệu pháp".

Kariko và Weissman tình cờ gặp nhau vào cuối những năm 1990 khi đang sao chụp các tài liệu nghiên cứu. Năm 2005, sau nhiều năm hợp tác, họ công bố phát hiện quan trọng: mRNA có thể được thay đổi và đưa vào cơ thể một cách hiệu quả để kích hoạt hệ thống miễn dịch bảo vệ của cơ thể.

Weissman nói rằng, công nghệ của họ hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp sản xuất vaccine truyền thống.

Tuy nhiên, giới khoa học đã không quan tâm đến công trình mới này. Vài năm sau, công ty Moderna (Mỹ) và BioNTech (Đức) chú ý công trình này, đầu tư nghiên cứu vaccine mRNA để ngăn ngừa bệnh cúm, virus cytomegalo (CMV) và các mầm bệnh khác. Tuy nhiên, không loại nào vượt qua thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm. Đến 2019, COVID-19 xuất hiện, mRNA trở thành tia hy vọng, giúp quá trình phát triển vaccine diễn ra với tốc độ kỷ lục, cứu sống hàng tỷ người.

“Khi người Trung Quốc công bố trình tự của virus SARS-CoV-2, chúng tôi đã bắt đầu quá trình tạo RNA vào ngày hôm sau. Vài tuần sau, chúng tôi đã tiêm vaccine thử nghiệm trên động vật” ông Weissman chia sẻ.

Vào thời điểm đó, Kariko cho biết bà không hề ngạc nhiên trước kết quả thành công của các thử nghiệm do Pfizer và Moderna thực hiện. Bà nói: “Tôi đã tin rằng nó sẽ thành công vì chúng tôi đã có đủ thử nghiệm".

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/AP/New York Times/NPR)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn