Dấu hiệu dị ứng thực phẩm và cách xử trí

Dị ứng thực phẩm có thể gây cho bạn nhiều phiền toái trong dịp đầu năm

Dị ứng thực phẩm: Triệu chứng, kiểm soát thế nào?

Ăn hải sản, ngon nhưng coi chừng mất mạng với đồ lạ

Tại sao ăn xoài lại bị dị ứng?

Những điều cần biết về dị ứng thực phẩm

Biểu hiện dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn. Theo thuật ngữ chuyên môn, các dị nguyên (hay protein) có trong thực phẩm có thể gây ra phản ứng tiêu cực khi bạn ăn chúng.

Các phân tử protein này khi đồng loạt kết hợp với globulin miễn dịch E trong cơ thể sẽ giải phóng ra các chất trung gian hoá học, đặc biệt là các histamin. Những chất trung gian này bắt đầu gây ra các triệu chứng như: Giãn mạch, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, ngứa dữ dội.

Nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng nhất là sữa bò, sữa đậu nành, trứng, lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua... Dị ứng thực phẩm xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn và tỷ lệ này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.

Da nổi mề đay, phát ban có thể là triệu chứng dị ứng thực phẩm

Da nổi mề đay, phát ban có thể là triệu chứng dị ứng thực phẩm

Phản ứng dị ứng thực phẩm không phải ai cũng giống nhau. Tuy nhiên, các dấu hiệu phổ biến bao gồm:

- Ngứa miệng, cảm giác nóng bỏng ở môi và miệng, sưng miệng, môi và mặt.

- Phát ban trên da.

- Buồn nôn hoặc nôn mửa.

- Khó thở, thở khò khè.

- Tiêu chảy.

Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ. Các triệu chứng nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị hạ huyết áp, sưng họng, nhịp tim nhanh, khó thở, mất ý thức… Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bạn cũng cần phân biệt rõ tình trạng dị ứng thực phẩm với chứng không dung nạp (ví dụ như không dung nạp lactose). Người không dung nạp một thực phẩm nào đó thường sẽ gặp vấn đề tiêu hóa khi ăn, uống phải món ăn có chứa nguyên liệu đó. Trong khi đó, dị ứng thực phẩm lại gây biểu hiện toàn thân: Từ da, hệ hô hấp, tiêu hóa đến tim mạch.

Xử trí khi bị dị ứng thực phẩm

 

Người có tiền sử dị ứng thực phẩm cần thận trọng khi tham gia các bữa tiệc trong dịp đầu năm. Cần đọc kỹ thành phần của thực phẩm, món ăn trước khi sử dụng. Khi không ăn tại nhà, bạn cũng có thể nói chuyện với gia chủ hoặc tham gia quá trình chuẩn bị món ăn để biết những món ăn nên tránh trong bữa tiệc.

Khi bị dị ứng nhẹ, cơ thể có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc. Bạn cũng có thể mang theo thuốc chống dị ứng, thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sỹ để giảm bớt các phản ứng dị ứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề…

Nếu có biểu hiện nặng (khó thở, tim đập nhanh, phát ban toàn thân), người thân cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị. Tại đây, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch và các liệu pháp miễn dịch đường uống.

Trong một số trường hợp cần chẩn đoán chính xác tác nhân gây dị ứng, người dân có thể đến các khoa Dị ứng - Miễn dịch tại các bệnh viện để thăm khám kiểm tra các test dị nguyên.

Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp