Thơm thoảng sen trà

Trà ướp hương sen Tây Hồ là thức uống tao nhã trong văn hóa của người Hà Nội từ xưa đến nay - Ảnh: Sức khỏe+

Uống trà đen có thể giúp bảo vệ tim mạch và huyết áp

Uống trà quế có thể kiểm soát lượng đường trong máu

Bất ngờ với lợi ích của trà gừng

Đau đầu có nên uống trà?

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội, tôi như ngợp trong những gian hàng giới thiệu về các đặc sản từ sen. Thế nhưng, có một thứ hương thanh mát, trong trẻo đã níu tôi dừng bước. Sự hòa trộn của hương sen dịu dịu với hương trà thơm đã khiến tôi ngơ ngẩn. Và rồi, tôi gặp một người, đã đem thứ trà độc đáo ấy tới người dân cả nước.

Chị Nguyễn Thắm - chủ thương hiệu Trà sen Tây Hồ Thắm Nguyễn, Hà Nội, gia đình chị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm trà sen. Trong Lễ hội Sen đầu tiên này của Hà Nội, cũng đúng mùa sen bách diệp của Hà Nội, chị Thắm đã tổ chức các buổi trình diễn làm trà sen để cộng đồng cùng chiêm nghiệm. Và tôi đã được chứng kiến một buổi làm trà sen như vậy.

Tay thì thoăn thoắt làm trà, chị Thắm vui vẻ nói với chúng tôi, trà sen có hai loại, trà sen khô và trà sen bông. Mỗi loại có cách làm riêng, điểm đặc biệt riêng và cách thưởng thức riêng.

Gia đình chị Thắm đã có gần 20 năm gắn bó với nghề làm trà sen - Ảnh: Sức khỏe+

Gia đình chị Thắm đã có gần 20 năm gắn bó với nghề làm trà sen - Ảnh: Sức khỏe+

“Thú chơi” kỳ công

Trà sen khô được chị Thắm mang tới trưng bày tại Lễ hội. Khi có khách hỏi, chị sẽ chậm rãi đun nước pha trà, để khách thưởng thức từ hương thơm đầu tiên tỏa lên trong ấm pha. Nước sôi, chị nhẹ nhàng gạt một chút trà khô thấm hương vào ấm, để nước nguội bớt chỉ còn khoảng 85-90 độ, chị mới rót một chút nước vào ấm, tráng nhẹ, rót cạn nước. Lúc này, chỉ cần đứng sát một chút, bạn đã ngửi thấy những “sợi hương” dịu dàng len lỏi trong không khí. Tráng chè, khiến hương sen mất đi một chút, nhưng lại đánh thức giác quan của ẩm khách.

Chị Thắm rót nước vào ấm, để ngấm một chút rồi rót trà ra chén mời khách. Nước trà sóng sánh màu vàng cốm nhẹ, hương sen men theo dòng nước mà lan tỏa. Đưa chén lên mũi, ngửi hương, rồi mới nhấp một ngụm, ngậm trong miệng để cảm nhận trước khi nuốt xuống. “Chát nơi đầu lưỡi, ngọt nơi cuống họng” là cảm nhận chung của mọi ẩm khách. Có như vậy, mới đạt chất lượng của một ấm trà sen ngon Tây Hồ.

Cũng theo chị Thắm, thưởng thức đã cầu kỳ như vậy, nhưng để có một ấm trà sen Tây Hồ ngon còn cầu kỳ hơn nữa. Công đoạn lựa nguyên liệu đã khó nhưng công đoạn làm trà còn khó, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ hơn rất nhiều.

Chị Thắm chia sẻ, công đoạn chọn nguyên liệu rất cần thiết để cho ra chén trà sen Tây Hồ chuẩn vị. Với trà, nhà chị Thắm thường dùng trà Tân Cương thượng hạng của Thái Nguyên. Trà Tân Cương chế biến từ những búp trà được hái từ những cây trà cổ. Loại trà này khi mới uống thấy hơi chát nhưng vị ngọt hậu càng sâu.

Trà dùng để ướp sen là loại trà Tân Cương thượng hạng - Ảnh: Sức khỏe+

Trà dùng để ướp sen là loại trà Tân Cương thượng hạng - Ảnh: Sức khỏe+

Sen để dùng ướp trà phải là sen bách diệp được trồng ở vùng Đầm Trị (Tây Hồ, Hà Nội). Không biết do giống hay do đất trồng mà loại sen bách diệp này có mùi hương nồng đặc trưng, khác hẳn các loại sen bách diệp trồng ở các vùng khác. Khi nở, sen có màu hồng phớt, bên trong có nhiều tầng cánh hoa, các lớp cánh ôm chặt lấy phần nhụy vàng nên giữ được hương thơm ngát đặc trưng.

Hoa sen phải hái trước bình minh. Sen Tây Hồ có nhiều cánh xếp vào nhau, nhụy vàng thẫm, cánh hồng phớt sắc, màu hồng rất lạ, không nhạt không sẫm, hương thơm ngào ngạt - Ảnh: nhân vật cung cấp.

Hoa sen phải hái trước bình minh. Sen Tây Hồ có nhiều cánh xếp vào nhau, nhụy vàng thẫm, cánh hồng phớt sắc, màu hồng rất lạ, không nhạt không sẫm, hương thơm ngào ngạt - Ảnh: nhân vật cung cấp.

Sen bách diệp dùng để ướp trà thường được hái từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa đổ nắng. Lúc này hoa mới hé nụ (còn gọi là bông hoa hàm tiếu), hương sen còn được phong kín bởi những cánh hoa mỏng. Đây cũng là thời điểm mà bông sen cho hương tốt nhất. Hoa sen hái về được tẽ cánh, gạt lấy phần gạo sen – là những hạt nhỏ li ti đậu trên sợi chỉ vàng ở đầu nhụy hoa. Công đoạn này là khó nhất, tay phải thật nhanh, thật khéo, thật nhẹ để gạo sen không bị nát, không bay mất hương.

Lúc này, gạo sen được đem đi ướp trà. Cứ một lớp trà lại rải một lớp gạo sen, để qua một đêm rồi đem sấy. Cách sấy trà của nhà chị Thắm không khó nhưng cầu kỳ. Nhà chị sấy bằng hơi nước. Rải một lớp chăn dày trong lòng chậu, đặt vào giữa chậu một nồi nước nóng đun sôi. Trà đã ướp gạo sen cả đêm được bọc kỹ trong từng giói giấy can, xếp xung quanh nồi rồi dùng chăn ủ thật chặt. Lại qua một đêm mới mở ra, lấy trà ra, sàng hết lớp gạo sen cũ rồi lại tiếp tục quy trình ướp sấy.

Tách gạo sen là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương - Ảnh: Sức khỏe+

Tách gạo sen là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương - Ảnh: Sức khỏe+

Để làm ra được 1kg trà sen thành phẩm, chị Thắm cần khoảng 1kg gạo sen. Công đoạn ướp sấy cũng cần khoảng 15 ngày với từ 5 – 7 ướp sấy để hương sen ngấm vào trà. Chị Thắm tính, để có được 1kg trà sen thượng hạng cần tới 1.000 - 1.500 bông hoa sen, vì thế giá thành loại trà này thường khá đắt đỏ. Trà sen hiện có giá bán từ 7 - 10 triệu đồng cho 1kg trà. Cũng chính bởi sự cầu kỳ, đắt đỏ này, nên trà sen xưa được dùng để cung tiến, nay được dùng phần nhiều là để biếu. Người thưởng trà cũng được cho là các “tao nhân mặc khách”, phải hiểu, phải biết.

Trà bông hút khách

Uống trà sen khô cầu kỳ, nên vài năm gần đây, người là trà còn tạo ra thứ trà sen bông. “Trà sen ủ bông bắt nguồn từ thú thưởng trà xưa”, chị Thắm cho biết.

“Ngày trước, cuối chiều, các cụ thường sai con cháu chèo thuyền ra giữa hồ, chọn những bông sen hàm tiếu, thả vào trong đó ít chè khô, dùng lá sen gói lại cho chè được hấp thụ tinh hoa của trời đất cùng với sen. Sáng hôm sau lại chèo thuyền ra hái bông sen vào, dùng chè trong đó để pha uống và thưởng thức. Thường, cũng chỉ những ngày tiếp khách quý mới làm vậy.”, chị Thắm cho biết.

Sen dùng để ướp trà vẫn là những bông sen bách diệp được hái từ Đầm Trị vào buổi sáng sớm. Cho một lượng nhỏ trà ngon vào bông sen rồi gói chặt bằng lá sen bên ngoài. Bông sen được cắm trong nước một ngày cho hương tỏa ra, quện chặt với trà. Sau đó, bông sen sẽ được mang trữ đông hoặc sấy để bảo quản. Số trà trong mỗi bông có thể pha được khoảng 2 ấm. Loại trà sen bông này làm đơn giản hơn nên giá thành cũng rẻ hơn trà sen truyền thống, chỉ khoảng 35.000 đồng/bông.

Chén trà không đượm vị như trà sen truyền thống nhưng khi đưa lên miệng, người dùng vẫn cảm nhận được hương sen Hồ Tây ngát thơm - Ảnh: Sức khỏe+

Chén trà không đượm vị như trà sen truyền thống nhưng khi đưa lên miệng, người dùng vẫn cảm nhận được hương sen Hồ Tây ngát thơm - Ảnh: Sức khỏe+

Chén trà từ trà bông không đượm vị như trà sen truyền thống nhưng khi uống ẩm khách vẫn cảm nhận được hương sen Đầm Trị.

Nói thêm về thưởng thức trà, chị Thắm cho biết, một ấm trà ngon cần có đủ 5 yếu tố: “Nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. “Câu này có nghĩa gì? Nước pha trà là quan trọng nhất, loại trà là thứ hai, người pha trà là thứ ba, ấm chén thưởng thức trà là thứ tư và cuối cùng là người bạn cùng uống trà. Đảm bảo đủ 5 yếu tố này thì có thể đảm bảo ấm trà đó ngon, đủ hương, đủ sắc, đủ vị.”  

Giờ đây, trà sen Tây Hồ đã trở thành một đặc sản của Thủ đô. Qua bàn tay khéo léo của mỗi người nghệ nhân, hương thơm của trà ướp sen Hồ Tây đã đi khắp muôn nơi, là món quà tinh túy cho người đi xa nhớ về quê hương, về vẻ đẹp giản dị mà thuần khiết được bảo tồn và trao truyền qua bao thế hệ.   

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa