Đừng để cơ thể "lên tiếng" mới uống nước

Cần chủ động phòng tránh mất nước, thay vì chờ đến khi cơ thể phát ra tín hiệu nguy hiểm.

Bổ sung nước khi tập thể dục sao cho hiệu quả?

Cà phê có thực sự gây tình trạng mất nước?

Dấu hiệu cơ thể cần bổ sung nước

Mách bạn cách giữ nước cho cơ thể trong mùa Hè

Những dấu hiệu nhận biết mất nước

Chuyên gia dinh dưỡng Julia Zumpano và bác sĩ Neha Vyas từ Hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ), chia mất nước thành hai mức độ: nhẹ - trung bình và nặng.

Dấu hiệu mất nước từ nhẹ đến trung bình:

  • Cảm thấy khát nước nhiều hơn bình thường.
  • Đi tiểu ít hơn và nước tiểu có màu sẫm.
  • Táo bón.
  • Cảm thấy mệt mỏi, đau đầu hoặc choáng váng.
  • Bị chuột rút.
  • Cáu gắt, lo âu.
  • Da ấm hơn bình thường.
  • Chóng mặt.
  • Tiêu chảy.
  • Môi và da khô.

Dấu hiệu mất nước nặng (cần đi khám ngay lập tức):

  • Rối loạn ý thức.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Ngất xỉu.
  • Nước tiểu có màu nâu sẫm.
  • Nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh.
  • Giảm tiết mồ hôi.
  • Da mất độ đàn hồi (khi véo da không trở lại trạng thái ban đầu).
  • Mắt và má trũng sâu.
  • Không tiết nước mắt.

Đối tượng nào dễ bị mất nước?

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị mất nước nhất. Nguyên nhân là do cơ thể của họ khó giữ được lượng nước ổn định hoặc chưa ý thức được cảm giác khát. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước lọc mà cần được bù nước qua sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Ngoài ra, những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, tim mạch cũng có nguy cơ cao. Các hoạt động như làm việc ngoài trời, luyện tập thể thao cường độ cao, sử dụng thuốc lợi tiểu, sốt, tiêu chảy hay nôn mửa đều làm tăng nhu cầu nước của cơ thể.

Xử trí và phòng ngừa mất nước hiệu quả

Các chuyên gia khuyến nghị rằng nếu được phát hiện sớm, tình trạng mất nước nhẹ đến trung bình có thể được xử lý tại nhà bằng cách bổ sung nước đều đặn. Chuyên gia Julia Zumpano khuyên: "Nước lọc hoặc nước bổ sung điện giải là lựa chọn tối ưu." Tuy nhiên, bà cũng lưu ý không nên uống quá nhiều nước cùng lúc vì có thể gây ngộ độc nước, làm mất cân bằng điện giải.

Nếu không thích nước lọc, bạn có thể thay thế bằng nước chanh pha loãng, nước hoa quả không đường, trà thảo mộc không caffeine hoặc các loại nước bù điện giải. Bên cạnh đó, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu nước cũng giúp tăng cường lượng dịch cho cơ thể. Một số gợi ý bao gồm: dưa hấu, cam, dâu tây, dưa chuột, rau xà lách và các món canh, súp.

Trong trường hợp các biện pháp trên không hiệu quả hoặc khi có dấu hiệu mất nước nặng, người bệnh cần được truyền dịch và hỗ trợ y tế kịp thời.

Những lưu ý quan trọng để tránh mất nước

  • Hạn chế đồ uống dễ gây mất nước như rượu bia, nước ngọt có đường, nước tăng lực và cà phê. Nếu sử dụng, hãy bổ sung thêm nước lọc song song (ví dụ: một cốc nước cho mỗi cốc bia hoặc cà phê).
  • Uống đủ nước theo nhu cầu cá nhân. Trung bình, một người trưởng thành nên uống khoảng 2 lít nước/ngày, nhưng lượng này có thể tăng lên khi thời tiết nóng bức, luyện tập nhiều hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao.
  • Theo dõi lượng nước nạp vào bằng bình nước có vạch chia, bình lớn hoặc các ứng dụng theo dõi nước uống để dễ kiểm soát.
  • Tránh ra ngoài trời khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy mang theo nước và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao (người già, trẻ nhỏ, người bệnh mạn tính), cần chủ động kiểm tra và bổ sung nước thường xuyên, đặc biệt là khi có dấu hiệu mất nước sớm.
 
Việt An (Theo yahoo.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp