Nguồn tài nguyên chưa được khai phá của xứ Nghệ

Những nguyên nhân khiến trẻ em hay ốm vào dịp Tết?

Mẹo đơn giản hỗ trợ chữa zona thần kinh tại nhà

Thời tiết Tết Dương lịch năm 2023 trên cả nước thế nào?

Tết Dương lịch 2023 đi du lịch ở đâu?

Mới đây, tôi tình cờ tìm đọc được những thông tin khá thú vị về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) khi ông đến vùng đất Nghệ - Tĩnh. Quê cha ở Yên Mỹ - Hưng Yên, quê mẹ ở Hương Sơn - Hà Tĩnh và quê mẹ chính là nơi Lê Hữu Trác bắt đầu học nghề thuốc và trở thành Đại danh y của dân tộc như nhiều người đã biết. Nhưng sự kiện sau này được coi là bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của ông và nghề thuốc Việt Nam lại diễn ra ở Nam Đàn - Nghệ An.

Đó là khi nghe tin có người anh mất, ông về Hương Sơn không lâu thì bị ốm nặng, liên tục chữa chạy đến ba năm nhưng không có kết quả. Trải qua một năm tin thuốc thầy Trần Độc ở Nam Trung - Nam Đàn thì bệnh thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Trong thời gian nằm chữa bệnh ở đây, ông đã mượn đọc bộ sách thuốc Phùng thị. Thấy phần lớn những điều nói trong sách ông đều hiểu thấu nên thầy Trần Độc lấy làm lạ và có ý muốn truyền nghề cho Lê Hữu Trác. Vâng lời thầy, ông quyết định bỏ hết mọi việc để chuyên tâm học thuốc, rồi chữa bệnh, tiếng lành đồn xa khắp bốn phương, tám hướng. Rồi ông viết sách để lại đời sau với mong mỏi da diết “Mong đời hết kẻ ốm đau/Tháng ngày thơ túi, rượu bầu thảnh thơi”, không chỉ trong giới y học đánh giá cao mà cả nhà văn, nhà thơ, nhà sử học cũng không ngớt lời ngợi ca.

Empty

Cũng gần đây, tôi tình cờ đọc được một thông tin khác về thuốc chữa bệnh và cây thuốc ở miền tây Nghệ An những năm đầu thế kỷ XX. Câu chuyện của ông Phó Đức Thành (1880-1968) cũng quê ở Hưng Yên, làm nghề dược, nghề báo ở Vinh, là người đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ Đông y trước chủ trương xóa bỏ của chính quyền thực dân lúc bấy giờ và Phó Đức Thành từng được suy tôn là “Danh y của thế kỷ XX”. Được biết, Danh y Phó Đức Thành chính là "cha đẻ" của cao Sao Vàng vẫn được người dân trong nước và thế giới tin dùng cho tới ngày nay. Năm 1933, sau chuyến đi sưu tầm cây thuốc ở Phủ Quỳ, Phủ Tương (vùng Nghĩa Đàn, Quỳ Châu và Con Cuông, Tương Dương thuộc Nghệ An ngày nay), ông viết thiên du ký “Muốn cho biết đó, biết đây” đăng 12 kỳ trên báo Nghệ Tịnh tân văn. Tác giả viết có đoạn “...Lúc trở về tôi có nói với mấy người địa phương có biết các cây làm được thuốc thì đưa về cho tôi… Một lúc hai người đem về cho tôi được 9 cây, chỉ vẽ cho tôi cả tính nó chuyên trị bệnh gì”, “…giới thiệu công việc nghiên cứu thuốc nam của tôi với cố - (người lớn tuổi, già làng - BSH), cố coi cả sách vở lấy làm hoan nghênh lắm. Cố hứa sẽ giúp sức cho chóng thành và cố cũng chỉ vẽ được nhiều điều lợi ích…”

***

Vài ba năm lại đây, tôi liên tục trở lại miền tây Nghệ An, ngược miền sông Giăng với đồng bào Đan Lai, với cá mát nức tiếng, miền mây núi Kỳ Sơn với Tây Sơn, Huồi Tụ pơmu và samu, Mường Lống với Cổng Trời hùng vĩ và hoa mận trắng... Nhưng tôi nhớ hơn cả là có dịp dự một cuộc hội thảo, tham quan, tìm hiểu về đồng bào dân tộc Thổ, trong đó có nội dung liên quan đến chuyện “muốn cho biết lá, biết cây” như ông Phó Đức Thành hồi đầu thế kỷ trước đã từng ghi kể, chuyện những ông mế, bà lang và những bài thuốc quý dân gian đang có nguy cơ bị thất truyền, những công việc đặt ra cấp thiết ở vùng tây và cả tỉnh.

Qua trao đổi với nhóm nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy tri thức địa phương dân tộc Thổ tại các huyện miền tây Nghệ An” thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An do Tiến sỹ Lê Thị Hiếu làm chủ nhiệm, điều tra tại 3 huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ, được biết: có 16 nhóm bệnh được các ông lang, bà mế dân tộc Thổ dùng cây lá để chữa bệnh, nhất là bệnh liên quan đến thời tiết, bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da. Thực tế bao đời nay cho thấy đồng bào dân có nhiều kinh nghiệm quý trong việc sử dụng cây cỏ có sẵn ở trên nương rẫy để đun lấy nước uống hàng ngày nhằm nâng cao sức khỏe, chữa trị đa dạng các loại bệnh thường gặp.

 

Các nhà khoa học cho biết điều thú vị, hầu hết các cây thuốc được đồng bào dân tộc Thổ sử dụng đều được gắn với từ “cơ”, “co” hoặc “có” nghĩa là cây, gọi tên cây theo tên của bệnh. Ví dụ: Co nhả gia trác nghĩa là cỏ làm thuốc chữa bệnh hắc lào, lang ben (co: cây cỏ; nhả: làm thuốc; gia: chữa; trác: bệnh hắc lào, lang ben). Kinh nghiệm thu hái thuốc của bà con là không hái vào buổi trưa, lấy khi cây đã già, lá vàng úa, với củ thì không làm sây sát, đứt rễ, rửa sạch, phơi ngay; nếu lấy vỏ cây phải dùng dây thắt ngang cây hoặc cành làm chuẩn rồi dùng dao rạch thành từng miếng sao cho đều, dễ phơi sấy và uốn từng thanh…

Điều ngạc nhiên và băn khoăn là phần lớn các bài thuốc nói trên đều chưa qua khảo sát lâm sàng, chưa được y học công nhận, chỉ mới dừng lại ở mức độ người dân tin tưởng điều trị. Bên cạnh đó, các loài cây thuốc quý hiếm đang dần mất đi do khai thác quá mức, do thu hẹp diện tích để lấy đất nông nghiệp hay đất xây dựng và chưa có phương án bảo tồn, nhân rộng thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, một thực tế đáng báo động theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Nghệ An hiện có 56 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được thống kê, trong đó có 3 loài trong tình trạng CR (cực kỳ nguy cấp), 19 loài trong tình trạng nguy cấp (EN) và 34 loài trong tình trạng nguy cấp (VU). Còn theo nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Hiếu, có 6 loài cây thuốc quý hiếm được đồng bào Thổ sử dụng đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong tổng số loài nói trên.Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là chăm lo bảo tồn các bài thuốc dân gian, vận động các ông lang, bà mế trao truyền các bài thuốc cho con cháu, cho các nhà khoa học, hội đông y để trên cơ sở văn tự hóa, từng bước nhân rộng phụ vụ cộng đồng; đồng thời vận động khéo léo để bà con tránh lạm dụng tục, mẹo mực thái quá, có khi gây hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, việc cần phải làm “ngay và luôn” là tiến hành khảo sát cụ thể các bài thuốc dân gian ở miền tây và cả tỉnh để xác định thành phần, hàm lượng cụ thể, rà soát chọn lọc những bài thuốc quý từ đó chứng minh lâm sàng tính hiệu quả của từng bài thuốc. Hiện nay, 2 bài thuốc quý nhất của dân tộc Thổ là bài thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh và bài thuốc chữa thận cần được chứng minh tính hiệu quả cụ thể bằng khoa học để phát huy trong thực tế, nhất là tiến tới thương mại hóa các bài thuốc quý này. Hiện đã có các ông lang, bà mế được điều tra và cho phép về cây thuốc sử dụng gồm: ông Đậu Văn Đích (Tân Tiến, Tam Hợp, Quỳ Hợp) với 18 loại cây; bà Trương Thị Cần (Thọ Hợp, Tam Hợp, Quỳ Hợp).

Để phát triển bền vững vùng dược liệu, chặn đứng nguy cơ tuyệt chủng mà Viện Dược liệu cũng như các nhà khoa học đã cảnh báo nói trên, phải triển khai cách làm rộng rãi, phong phú của nhà nông, của bà con dân bản và cách làm tập trung, bài bản của doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch của Nhà nước đi kèm với các chế độ, chính sách cụ thể, khuyến khích. Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Nghệ An đến 2025, định hướng đến năm 2030 nói rõ: bảo tồn 38 loại cây thuốc với diện tích 15 ha tại 3 khu bảo tồn Liên Hợp (Quỳ Hợp), Hạnh Dịch (Quế Phong), Mường Lống (Kỳ Sơn), khai thác 17 loài, nhóm tại 13 huyện thị, xây dựng vùng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm với diện tích 905 ha tại 11 huyện thị xã…

Trong điều kiện và hoàn cảnh mới hiện nay, nhà nông nói chung hay đồng bào các dân tộc nói riêng cần biết cách phát triển mô hình khai thác và trồng trọt các loài dược liệu có giá trị kinh tế và lợi thế theo hướng dẫn của GACP (nguyên tắc tiêu chuẩn “thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) để tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào phục vụ nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu, tránh cách làm manh mún, thụ động, nhỏ lẻ như vừa qua.

Cụ thể hơn, bà con cần tích cực tham gia bảo vệ rừng, khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng, phát huy tốt nhất vai trò chủ thể quản lý, chủ thể hưởng lợi từ rừng và là một mắt xích trong bảo tồn hệ sinh thái không thể tách rời. Bên cạnh đó, bà con cần thay đổi tư duy về cơ cấu cây trồng, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, quy trình do nhà doanh nghiệp yêu cầu; liên kết các hộ dân để sản xuất trên quy mô lớn để áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo năng suất, chất lượng cao…Cách làm của bà con xã Hạnh Dịch, Châu Thôn, huyện Quế Phong, hay nhiều nơi ở huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông… rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ một cách đồng bộ và bền vững.

Nhà doanh nghiệp cần chấp nhận đầu tư lâu dài, có hướng phát triển trên thế mạnh của địa phương như cách làm của Công ty CP Dược liệu TH ở vùng Mường Lống - Kỳ Sơn hay vùng nông trại dược liệu ở Nghĩa Đàn và Yên Thành.

Trong đó, Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững” với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, trên tổng diên tích 2.800 ha ở Mường Lống - Kỳ Sơn đang từng bước triển khai với tầm nhìn và sứ mệnh lớn lao, bước đầu mang lại một số kết quả tích cực.

Từ hồi tháng 3/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Thanh Quý (nay là Bí thư Tỉnh ủy) đã trực tiếp đi thăm và kiểm tra khu vực sản xuất của Trung tâm Dược liệu Mường Lống. Ông cho rằng “phải nỗ lực để biến lợi thế từ các loại dược liệu thành thế mạnh phát triển của cả vùng, nhân rộng diện tích để nhân dân Mường Lống và vùng phụ cận cùng tham gia thu hái, chăm trồng, qua đó tạo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện lao động và đời sống của bà con”.

Empty

Mới đây, dịp tháng 4/2022, Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cũng đến Mường Lống để giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về tiến trình mới của Dự án Dược liệu, khẳng định: Các hoạt động ươm trồng, khai thác tại đây đang được thực hiện nhanh chóng với đủ nguồn lực và khát vọng để “tiên phong đặt nền móng cho ngành thảo dược bằng định hướng người tiêu dùng các sản phẩm từ thảo dược có lợi cho sức khỏe hoàn toàn từ thiên nhiên, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới”. Từ đây sẽ từng bước tạo ra một cuộc cách mạng làm kinh tế dưới tán rừng, thu hái thảo dược từ thiên nhiên và trồng hữu cơ dưới tán rừng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, gìn giữ môi trường-nơi cung cấp nguồn nước sạch và hệ sinh thái cho cả cộng đồng.

Từ việc đơn giản, quen thuộc trong dân gian “Muốn cho hết bệnh vàng da/Nhân trần sắc uống thay trà sớm khuya”, sẽ được thay thế triệt để bằng quá trình khép kín, hiện đại từ sản xuất đến chế biến các sản phẩm dược liệu có giá trị, tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm từ thảo dược tự nhiên nơi đây thực sự là món quà Mẹ Thiên Nhiên trao tặng cho con người.

***

Viết đến đây, lại nhớ một câu nói, một định hướng rất đáng suy nghĩ từng được truyền thông rộng rãi “Dược liệu nước ta phong phú mà cái gì cũng phải đi mua, thì làm sao được?” - Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt câu hỏi tại buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 21/8/2022, đồng thời chỉ rõ “Phải tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước…”

Lại ngẫm nghĩ, trăn trở về những cây thuốc quý, những bài bài thuốc quý trên đất Nghệ của Lương y Trần Độc, của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, của Phó Đức Thành và nhiều lương y, thầy thuốc, của những ông lang, bà mế khác lẽ nào không được khai thác, phát huy, tiếp tục vang xa như cha ông ta đã làm được, dù khó khăn không nhỏ, lực cản không ít, hiệu quả thực tế chưa được như mong mỏi?

Bùi Sỹ Hoa
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý