Giấc mơ của "ông Nam dược"

Kiến trúc Việt Nam được vinh danh trên thế giới

Doanh nghiệp thực phẩm chưa muốn “sướng”

Vinamilk và Vingroup lọt danh sách doanh nghiệp hàng đầu ASEAN

Doanh nhân Nguyễn Quang Thái: “Cộng đồng khỏe thì doanh nghiệp khỏe!”

Bộ Tài chính: Sẽ không để doanh nghiệp kinh doanh sữa "lách luật"

Sau hai năm, gặp lại vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam dược đã thấy ông có quá nhiều câu chuyện mới về sản phẩm, thị trường và cả những tham vọng của một doanh nghiệp chỉ sau có 5 năm hồi sinh thực sự. Thành công của Nam dược đến thời điểm này phần lớn bắt nguồn từ sự kiên định đi theo con đường Đông dược, dựa vào thế mạnh của Việt Nam để sản xuất những sản phẩm thuốc đáp ứng trúng nhu cầu điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện đại. Người quyết định chuyển hướng cách đây 5 năm không ai khác, chính là Tổng Giám đốc Hoàng Minh Châu.

Cuộc chiến Đông dược

 

Thưa ông, chưa bao giờ thị trường dược Việt Nam lại sôi động với nhiều sản phẩm Đông dược như mấy năm qua. Ông nói gì về xu hướng sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng Đông dược của Việt Nam giai đoạn gần đây?

Đúng là trong vòng 2 - 3 năm vừa rồi, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các công ty sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nguyên liệu tự nhiên. Trào lưu này, theo tôi có hai mặt: vừa tích cực, vừa tiêu cực. Về mặt tích cực, điều đó cho thấy xu hướng sử dụng sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên đang được quan tâm. Người tiêu dùng chuộng các sản phẩm này để trị các bệnh mạn tính cũng như hỗ trợ nâng cao chức năng của cơ thể. Bật tivi vào các khung giờ vàng, có thể thấy thực phẩm chức năng đang lấn át quảng cáo của các nhãn hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là trong khi phát triển quá ồ ạt, một số sản phẩm bị thổi phồng tác dụng quá mức khiến người tiêu dùng chưa hiểu đúng, dùng đúng. Tiêu chuẩn trong sản xuất thực phẩm chức năng cũng không khó như với thuốc. Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp khi không được đăng ký sản xuất thuốc đã chuyển sang làm thực phẩm chức năng.

Ông có cho rằng, còn có một điểm tích cực khác là với việc chọn một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, các doanh nghiệp đang góp phần phát huy các giá trị từ nền y học cổ truyền của dân tộc - vốn quý mà không phải quốc gia nào cũng có được?

Đúng vậy! Các doanh nghiệp đã nhận ra tân dược không còn là thế mạnh của Việt Nam, bởi chúng ta không đủ sức "đọ găng" với các công ty đa quốc gia, cũng như phải "chiến đấu" với tâm lý chuộng tân dược ngoại của người tiêu dùng, kể cả thầy thuốc. Điểm tích cực của các công ty chuyển hướng sang đông dược là họ đã tìm cách khai thác các bài thuốc lưu truyền trong dân gian và các loại cây thuốc quý Thời gian vừa qua, nhiều cây thuốc mới đã được phát hiện và nghiên cứu sâu, cho thấy khả năng phòng và chữa bệnh rất tốt. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng trên hết, giá trị lớn nhất chính là sức khỏe của người dân. Có rất nhiều bệnh mang tính thời đại như bệnh chuyển hóa hay các bệnh mãn tính điều trị lâu dài bằng tân dược chưa chắc tối ưu bằng đông dược. Hơn nữa, việc phát triển đông dược còn liên quan trực tiếp đến nền nông nghiệp dược liệu Việt Nam. Trong chuỗi giá trị sản xuất đông dược, trồng dược liệu đã mở ra hướng đi rất tốt cho người nông dân. Các nhà nghiên cứu khoa học về dược liệu, về hóa chất thiên nhiên cũng có cơ hội phát triển được rất nhiều đề tài nghiên cứu sâu. Đó cũng là câu chuyện liên kết 3 nhà trong phát triển dược liệu.

Thực tế việc xây dựng mô hình phối hợp "3 nhà" trong ngành đông dược đang vận hành như thế nào, thưa ông?

Chúng ta chỉ mới bắt đầu và còn khá nhiều việc phải làm. Việt Nam có gần 4.000 loài cây, có thể làm thuốc, nhưng trên thực tế, chúng ta có chưa đến 50 dược liệu được tổ chức nghiên cứu và trồng một cách bài bản.

Trong khi đó, muốn phát triển được một sản phẩm chất lượng, điều đầu tiên là phải có dược liệu chất lượng. Nhiều quốc gia đã đầu tư rất tốt vào việc đó. Điển hình như Hàn Quốc phát triển bài bản cây nhân sâm, nấm linh chi; Trung Quốc có cây tam thất để chế biến nguyên liệu và đã cung cấp cho toàn thế giới hay Thái Lan với cây gừng gió… Còn ở Việt Nam, chúng ta đang xây dựng mô hình cây thuốc quốc gia với 5 loại cây được chọn để bảo tồn, phát triển như: sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, cây hồi, cây thông đỏ… Nam Dược cũng đang đi theo mô hình liên kết 3 nhà và phát triển được một số loại dược liệu. Chúng tôi phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu sâu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý của cây thuốc, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng và doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Trong câu chuyện mô hình kết hợp 3 nhà, tôi nghĩ doanh nghiệp nên ở vị trí trung tâm.

Vậy Nam Dược đã xây dựng được vùng nguyên liệu nào rồi, thưa ông?

Về cây thuốc, có dây thìa canh làm nguyên liệu sản xuất Diabetna hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Sau hai năm, chúng tôi đã trồng được khoảng 10 hecta tại Nam Định, Thái Nguyên. Sau khi làm một phép so sánh, người nông dân thấy rằng, thu nhập do cây dây thìa canh mang lại cao gấp 8 -10 lần so với trồng lúa. Đây là công trình nghiên cứu của trường Đại học Dược Hà Nội chuyển giao cho Nam Dược, số tiền có được từ hoạt động nghiên cứu sẽ tiếp tục được tái đầu tư để nghiên cứu sâu hơn.

Một ví dụ nữa về động vật quý làm thuốc là rắn hổ mang được nuôi ở trại rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc). Nguyên liệu quý này được ứng dụng trong bài thuốc chữa xương khớp có tên Bách xà. Cách làm này vừa bảo tồn nguồn gen dược liệu để khai thác lâu dài, vừa giúp kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào. Với việc đầu tư bài bản đó, Nam Dược là một trong 5 doanh nghiệp dược tại Việt Nam được dự án Biotrade của Thụy Sỹ chọn để tài trợ cho các dự án trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP (quản lý dược liệu sạch - PV).

Nhưng có lẽ tạỉ Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp đầu tư được vùng nguyên liệu riêng?

Đúng là số doanh nghiệp tự trồng được nguyên liệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số dựa vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng khó kiểm soát hoặc khai thác bừa bãi, dẫn đến hệ quả là dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Điều đáng lo ngại, mặc dù được đánh giá là quốc gia có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho gần 4.000 cây thuốc, nhưng chúng ta đang nhập khẩu đến 80% dược liệu từ Trung Quốc. Thậm chí, nhiều người đã đề cập đến khái niệm "an ninh dược liệu"…

Đối diện với việc nở rộ của hàng loạt sản phẩm đông dược na ná nhau đều được coi là an toàn, chữa các bệnh cũng tương tự và doanh nghiệp nào cũng rất chịu chi cho quảng cáo, Nam Dược lấy gì để cạnh tranh?

Đó là bài toán của những doanh nghiệp đầu tư lớn, bài bản. Trên thị trường đông dược có không ít những doanh nghiệp "ăn xổi", thậm chí bỏ qua khâu nghiên cứu. Điều này có thể gây cho chúng tôi những khó khăn nhất định trong ngắn hạn và làm cho người tiêu dùng khó lựa chọn. Nhưng tôi tin vào xu hướng phát triển bền vững. Các doanh nghiệp nhỏ và tư duy ngắn hạn thường chỉ đặt làm gia công, sau đó đổ tiền quảng cáo. Còn chúng tôi xây dựng năng lực lõi trên nhiều khía cạnh.

Đầu tiên, đó là nghiên cứu và phát triển. Nhiều doanh nghiệp không cần nghiên cứu, họ chỉ cần copy, nhưng người tiêu dùng sẽ thử và chắc chắn đến một thời điểm nhất định, họ sẽ nhận ra chất lượng sản phẩm có vấn đề. Bởi lẽ, nếu đã gia công thì chỉ muốn sao để có giá rẻ nhất. Và chắc chắn, các doanh nghiệp "ăn xổi" không có tâm huyết để xây dựng những phương pháp bào chế tốt, lại càng không thể đầu tư cho việc kiểm nghiệm chất lượng. Thực tế đã có nhiều sản phẩm năm nay bán rất chạy, nhưng năm sau đã chết yểu.

Thứ hai là năng lực sản xuất chất lượng cao: Nam Dược đã tiên phong áp dụng tích hợp tiêu chuẩn quốc tế như GMP, ISO, HACCP, TQM…

Cuối cùng mới là năng lực bán hàng và marketing.

Ông có thể tiết lộ tỷ lệ đầu tư cho R&D của Nam Dược hiện nay không?

Chúng tôi đang chi khoảng 2% cho R&D. Năm vừa rồi, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu rất bài bản cho một nhóm sản phẩm mới để sẵn sàng tung ra thị trường trong năm nay.

Nhìn vào câu chuyện cạnh tranh giữa các thương hiệu, nhãn hàng dược, có cảm giác như đó thực chất là cuộc chiến về quảng cáo?

Chất lượng rất quan trọng, nhưng nhận thức của người tiêu dùng cũng không kém phần quan trọng, nên phải "đọ súng" trên truyền hình là điều đương nhiên (cười).

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lớn, họ còn tự tin đi vào kênh ETC (thuốc kê đơn ở bệnh viện), tức là giới thiệu với các bác sỹ trong bệnh viện để kê đơn. Nam Dược cũng hiểu rằng, không thể chỉ đi qua một con đường duy nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã bắt đầu đi vào một số bệnh viện để các bác sỹ biết và nếu được bác sỹ ủng hộ thì đó mới là chiến thắng lâu dài, vì bác sỹ mới là người được bệnh nhân và xã hội tin tưởng.

Vậy đông dược Việt Nam đã được các bác sỹ ủng hộ chưa, thưa ông?

Thực tế là chưa có nhiều bác sỹ tây y ủng hộ đông dược Việt Nam. Ngoài ra, có một khó khăn khác là có quy định không được kê đơn thực phẩm chức năng, vì vậy nhiều doanh nghiệp làm thực phẩm chức năng chỉ còn cách là đi qua kênh OTC (kênh nhà thuốc) hoặc bằng quảng cáo.

Đưa dược liệu Việt Nam đi ra thế giới

Là thế mạnh của Việt Nam, lại có khả năng chữa nhiều bệnh phổ biến cả thế giới đang gặp phải, liệu đông dược có khả năng vươn ra thị trường quốc tế?

Đi ra thị trường quốc tế là trăn trở chung của nhiều doanh nhân Việt. Nhưng riêng ngành dược có lẽ vẫn đang thiếu những người có hoài bão đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Tôi đang lo ngại là sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài không chỉ lấy Việt Nam làm thị trường mà còn biến Việt Nam thành nơi gia công thuốc cho thương hiệu của họ. Ví như gần đây, MEGA, một tập đoàn dược lớn của Thái Lan đã mua lại nhãn hàng thuốc ho Eugica của Dược Hậu Giang và đang tiếp tục tìm kiếm những sản phẩm đông dược có thế mạnh của Việt Nam để mua lại. Trường Đại học Y dược Chiềng Mai của Thái Lan cũng có khoa dược liệu và năm 2013 họ đã cử các nhà khoa học sang làm việc với Đại học Dược Hà Nội, đi tham quan Nam Dược, khảo cứu vùng trồng cũng như mô hình sản xuất của chúng tôi. Tôi biết, Thái Lan đang tham vọng trở thành một nước sản xuất các sản phẩm từ thảo dược cũng như nghiên cứu dược liệu mạnh. Mặc dù nền tảng y học cổ truyền của quốc gia này không thể bằng Việt Nam, nhưng nếu chúng ta không tăng tốc và không có tham vọng đi ra khu vực thì chỉ trong vài năm nữa thôi, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đi trước. Khi đó, họ sẽ trở thành người khai thác thị trường và Việt Nam sẽ trở thành người gia công cho họ.

Vậy riêng với Nam dược thì sao?

Chúng tôi đã chuẩn bị một số sản phẩm để đưa ra thị trường thế giới, bắt đầu từ Đông Nam Á. Đó là bộ 5 sản phẩm Ích Nhi dành cho trẻ em và bộ sản phẩm Sắc Xuân trong uống ngoài thoa từ dược liệu sữa ong chúa Việt Nam dành cho phụ nữ. Chúng tôi đã tìm hiểu qua với Myanmar, Lào, Campuchia… nhu cầu đối với các dòng sản phẩm này rất cao. Chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm này đi tham gia hội chợ để đánh giá tiềm năng thị trường và tìm cơ hội xuất khẩu.

Vừa rồi, có một doanh nghiệp Việt ở Cộng hòa Séc đã đăng ký kinh doanh thành công tại một số quốc gia Đông Âu sản phẩm Diabetna từ dây thìa canh của Nam Dược. Đây là dược phẩm để trị bệnh tiểu đường - bệnh phổ biến ở Âu - Mỹ. Tôi nghĩ, đó là một đường ra thị trường quốc tế rất tiềm năng: thông qua cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Nhiều doanh nghiệp đến một thời điểm sẵn sàng bán các nhãn hàng họ đã từng rất tâm huyết nếu được giá. Liệu có một ngày nào đó Nam Dược cũng có lựa chọn tương tự?

Trong lịch sử, Nam dược đã được đề nghị bán nhiều nhãn hiệu, nhưng chúng tôi kiên quyết không bán. Nếu chúng tôi truyền được cho các thế hệ kế cận của Nam Dược khát vọng quốc tế hóa sản phẩm, đưa Nam dược ra thị trường quốc tế, ít nhất là khu vực Đông Nam Á, chắc chắn sẽ không có chuyện bán, dù được trả giá cao đến đâu.

Đáng mừng là trong những khảo sát nghiên cứu thị trường gần đây, thói quen sử dụng đông dược Việt Nam đang có chuyển biến rất tốt. Đấy là kết quả của nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm đông dược những năm qua. Với những sản phẩm được nghiên cứu bài bản từ dược liệu, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu và tạo được thói quen sử dụng ở những nước khác. Đó sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thái Lan, Trung Quốc đều đã có những tập đoàn đông dược xây dựng cả bệnh viện đông y, trung tâm nghiên cứu… Việt Nam rồi sẽ có những tập đoàn lớn mạnh như thế, nếu chúng ta biết cách khai thác thế mạnh của mình.

Và đó cũng là giấc mơ của Nam dược trong tương lai?

Chúng tôi cũng đang mơ sẽ có một bệnh viện Nam dược và trung tâm nghiên cứu thuốc Nam, khu bảo tồn cây thuốc quý. Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán và có kênh huy động vốn từ công chúng, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ đó.

Cám ơn ông và chúc Nam dược sớm thực hiện được giấc mơ đẹp đó!

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện