Chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp, làm sao để giữ tinh thần ổn định?

Chủ động thích nghi với căn bệnh viêm khớp dạng thấp

Thực phẩm người bệnh tăng huyết áp nên ăn hàng tuần

Podcast: Nước đậu đen rang thải độc gan, thanh nhiệt trong mùa Hè

Tuyên bố Dublin: Quyết tâm đẩy mạnh kiểm soát thuốc lá toàn cầu

Cách chuẩn bị túi sơ cứu khi đi du lịch

Không ít người, khi mới biết mình mắc viêm khớp dạng thấp sẽ cố gắng phủ nhận thực tế. Họ muốn sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng càng né tránh, cảm giác mệt mỏi và cô đơn càng lớn dần. Ngược lại, nếu chấp nhận rằng bệnh tật và nỗi đau là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn, giảm bớt phản ứng tiêu cực.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mạn tính. Dù có thể cải thiện triệu chứng trong từng giai đoạn, bệnh không thể khỏi hoàn toàn. Vì thế, điều quan trọng là học cách chấp nhận những thay đổi về thể chất, tinh thần và chủ động kiểm soát những điều mình có thể.

Dưới đây là 9 cách giúp bạn giữ vững tinh thần và sống chủ động hơn.

1. Chấp nhận cảm xúc và tiếp tục tiến về phía trước

Sau chẩn đoán, cảm giác tiếc nuối cho cuộc sống trước đây là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều người mô tả nỗi buồn ấy giống như đang thương tiếc cho một điều gì đó đã mất - có thể là sức khỏe, sự tự do hay khả năng vận động như trước. Bạn có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như buồn bã, tức giận, phủ nhận thực tế… và điều quan trọng là hãy gọi tên, đối diện với chúng thay vì giả vờ như không tồn tại.

Tuy nhiên, nếu để cảm xúc tiêu cực lấn át quá lâu, bạn có thể rơi vào trầm cảm hoặc lo âu – điều thường gặp ở người mắc viêm khớp dạng thấp. Hãy học cách nhận diện xem những cảm xúc ấy đang giúp bạn "chữa lành" hay khiến bạn thêm nặng nề. Khi ý thức được điều đó, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh tâm trạng, giữ tinh thần ổn định hơn mỗi ngày và tiếp tục bước về phía trước với tâm thế chủ động.

2. Thay đổi cách nói về bệnh

Ngôn ngữ bạn sử dụng khi nói về tình trạng của mình ảnh hưởng lớn đến cách bạn cảm nhận nó. Thay vì nói “tôi bị viêm khớp”, bạn có thể nói “tôi đang sống cùng viêm khớp dạng thấp”. Thay vì gọi đây là “bệnh”, bạn có thể gọi là “tình trạng sức khỏe”. Những thay đổi nhỏ như vậy sẽ giúp bạn nhắc nhở bản thân rằng mình vẫn là chính mình – một con người với nhiều giá trị khác ngoài bệnh tật.

3. Đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn

Tự động viên, an ủi mình khi mắc bệnh là điều cần thiết

Tự động viên, an ủi mình khi mắc bệnh là điều cần thiết

Hãy thử nghĩ xem, nếu một người bạn thân gặp hoàn cảnh như bạn, bạn sẽ nói gì để an ủi họ? Giờ hãy nói điều đó với chính mình. Tự động viên và đối xử tử tế với bản thân giúp bạn giảm căng thẳng, bớt cảm giác đơn độc và nhanh chóng ổn định tinh thần hơn trong quá trình sống chung với bệnh

4. Trân trọng khả năng thích nghi, thay vì chỉ chú trọng năng suất

Nhiều người từng quen với cuộc sống bận rộn, năng động sẽ cảm thấy hụt hẫng khi không còn làm việc, sinh hoạt như trước. Tuy nhiên, thay vì trách móc bản thân vì dễ mệt hay thường xuyên cần nghỉ ngơi; hãy nhìn nhận rằng bạn đang cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới. Và điều đó xứng đáng được ghi nhận. Có những ngày chỉ cần vượt qua được cơn đau, giữ cho tinh thần ổn định đã là một thành công. Bệnh không làm bạn kém giá trị hơn. Bạn vẫn là chính mình, với nghị lực, lòng kiên trì và những điều đáng trân trọng.

5. Duy trì tập luyện

Thay vì oán trách cơ thể vì những cơn đau, hãy kết nối lại với nó bằng cách vận động nhẹ nhàng. Một bài tập phù hợp với thể trạng sẽ giúp giảm đau, cải thiện tinh thần và tạo cảm giác kiểm soát cơ thể. Nếu có những việc bạn chưa làm được, hãy nhủ rằng “hiện tại mình chưa thể làm”, thay vì xem đó là mất mát vĩnh viễn.

6. Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ở hoàn cảnh mới

Có thể trước đây bạn sống vì công việc, vì trách nhiệm, vì những đam mê đòi hỏi nhiều sức lực. Sau khi mắc bệnh, nhiều thứ phải thay đổi. Nhưng thay vì xem đó là mất mát, hãy coi đó là cơ hội để nhìn lại: điều gì thực sự khiến bạn thấy mình có ý nghĩa? Nhiều người tìm thấy niềm vui mới trong việc chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh với người khác, tham gia tình nguyện, hay đơn giản là sống chậm lại để quan tâm đến bản thân nhiều hơn.

7. Thực hành lòng biết ơn

Thực hành lòng biết ơn

Thực hành lòng biết ơn

Việc mắc bệnh không đồng nghĩa với việc bạn phải biết ơn vì nó. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể cảm thấy biết ơn vì những điều tốt đẹp khác vẫn hiện hữu: gia đình, bạn bè, công việc, sở thích, khoảnh khắc yên bình, thói quen chăm sóc bản thân như đọc sách, thiền, nghe nhạc. Những điều này có thể nhỏ, nhưng lại giúp bạn duy trì tâm trạng tích cực và giảm nguy cơ trầm cảm.

8. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp

Nếu cảm thấy quá tải, hãy mạnh dạn tìm đến các hình thức hỗ trợ phù hợp. Từ trị liệu tâm lý cá nhân đến nhóm chia sẻ hoặc diễn đàn trực tuyến, tất cả đều mang lại giá trị thiết thực. Một liệu pháp đã được chứng minh hiệu quả với người mắc các bệnh thấp khớp là “liệu pháp chấp nhận và cam kết” (Acceptance and Commitment Therapy – ACT). Phương pháp này giúp người bệnh tách rời khỏi suy nghĩ tiêu cực, nâng cao khả năng thích nghi và cải thiện chất lượng sống. Bạn có thể tìm hiểu về ACT qua các chuyên gia tâm lý hoặc nền tảng trực tuyến.

 
Đào Dung (Theo Everyday Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ