Một mắt hai lần ghép
Tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1971, đến khi về gia đình, do ảnh hưởng chất độc hoá học, mắt ông Bính ngày càng mờ. "Đi khám tại bệnh viện tỉnh, thị lực tôi chỉ còn 6 - 7/10. Cam chịu với đôi mắt không nhìn tỏ như vậy suốt một thời gian, năm 2007 xem trên tivi có chương trình nói về giác mạc, tôi bắt đầu nuôi quyết tâm đi lên bệnh viện Mắt Trung ương tìm cơ hội chữa bệnh", ông chậm rãi kể.
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông, giám đốc ngân hàng Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương đã khám và kết luận ông Bính bị đục giác mạc. Đăng ký ghép giác mạc theo chỉ định, với số thứ tự 700, ông Bính không hy vọng nhiều. "Không ngờ đến tháng 11.2010 tôi nhận được điện thoại của bệnh viện mời lên ghép giác mạc. Ca ghép diễn ra suôn sẻ. Ra khỏi phòng phẫu thuật, các bác sĩ yêu cầu tôi phải nằm bất động, thậm chí không được nhai để giác mạc ổn định, tôi phấp phỏng chờ đợi. Ngày hôm sau, tôi hé băng bên mắt được ghép và thấy rõ mồn một số giường mình đang nằm. Trước đó, các con số với tôi là thách đố thực sự", ông hạnh phúc nhớ lại. Thấy chồng đi chữa mắt về, bà Ninh Thị Mai còn chưa tin, còn thử bằng cách bắt chồng đọc xem có nhìn rõ giờ trên đồng hồ điện tử treo tường hay không.
Nhưng ba tháng sau, đột nhiên mắt ghép của ông Bính lại mờ đi, mặc dù ông lên bệnh viện khám định kỳ thường xuyên. Các bác sĩ nói giác mạc có dấu hiệu thoái ghép. Chị Hoàng Thị Nguyệt, con gái út thương bố nên gặp bằng được các bác sĩ và khóc: "Mắt bố cháu còn mờ hơn trước. Tuổi già bố cháu biết trông vào đâu!" Chỉ đến khi các bác sĩ ở ngân hàng Mắt hứa tạo điều kiện cho ông Bính được ghép lại, chị Nguyệt mới chịu ra về. Đúng như đã hứa, đến tháng 11.2011, ông Bính được ghép lần thứ hai cùng bên mắt phải. Đến nay đã hơn hai năm, nhiều lần tái khám cho thấy thị lực bên mắt này ổn định.
"Con mắt còn lại là con mắt ai?"
Mắt đã sáng, đáng lẽ ông Bính phải rất mừng. Thế nhưng, trong lòng ông vẫn nặng một nỗi lo. Ông lập gia đình với bà Mai, ba người con của ông bà cũng đều lớn lên tại xã Yên Nhân, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Hai năm trước, vì là trưởng ngành, một mình ông chuyển lên TP Ninh Bình - quê cha đất tổ - để hương khói cho tổ tiên. Một mình bà Mai ở lại quê lo kinh doanh buôn bán, chờ ngày có cháu nội thì lên đoàn tụ gia đình. Không may, sau đó vài tháng bà Mai mất đột ngột. Sự ra đi bất ngờ của người vợ thân yêu khiến ông Bính cảm thấy cô quạnh, hụt hẫng. Chiều chiều, đặt xong nồi cơm, ông lại đi bộ qua con đường ở khu nhà vườn trong thành phố, nơi ngày xưa hai người hay đèo nhau đi qua, để nhớ về người vợ đã mất.
Hai lần ghép trước, ông được biết giác mạc của người cho đều là người Ninh Bình quê ông. Đến nay, 70% giác mạc thu nhận được là do hiến tặng của người dân đã khuất nơi đây. "Để trả phần nào món nợ ân tình đó, mỗi lần đi đâu, tôi lại nhắc đến câu chuyện mình đã được ghép giác mạc của người khác hiến tặng và tìm lại ánh sáng ra sao. Tôi mong sẽ có thêm nhiều tấm lòng thiện nguyện như vậy nữa...", ông kể. Ông Bính cũng cả nghĩ, lo xa một vài năm nữa, khi giác mạc được ghép lỡ bị thải ghép hoặc hết tuổi thọ của nó, ông không biết trông cậy vào đâu. Vì thế, ông có nguyện vọng được ghép cho bên mắt còn lại. Đôi mắt sáng là mơ ước của bất cứ người nào có bệnh về mắt, đặc biệt là những người có chỉ định ghép giác mạc như ông Bính. Danh sách bệnh nhân chờ được ghép tại bệnh viện Mắt Trung ương đến nay khoảng 800 người. Dù niềm hy vọng có mong manh, nhưng ông Bính vẫn từng ngày chờ đợi...
Bình luận của bạn