Haruki Murakami: Tôi nói gì khi nói về chạy bộ!

Một cuốn tản văn nhẹ nhàng, dung dị về những câu chuyện đời thường

5 bí quyết để thưởng thức bánh Trung thu mà không lo tăng cân

5 lầm tưởng phổ biến và sự thật về protein

Ngàn mặt trời rực rỡ: Câu chuyện của tình yêu và hy vọng

Murakami và hành trình trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Nếu không là một tiểu thuyết gia tay ngang (và cực kỳ thành công) thì có lẽ Murakami đã là một Vận động viên marathon hoặc ba môn phối hợp chuyên nghiệp. Ông dành hầu hết thời gian cuộc đời (hoặc chí ít trong 10 năm viết cuốn sách này) để viết sách (tất nhiên) và chạy (đôi khi kết hợp đạp xe và bơi lội). Một điều rất khâm phục ở người đàn ông trung niên này là ông làm mọi điều đều rất tận tâm, chăm chú, tỉ mỉ, nhưng theo hướng tận hưởng niềm hạnh phúc khi được làm điều mình thích, hoàn toàn không có tư vị của cạnh tranh ganh đua (chí ít thì cuốn sách toát lên như vậy).
Một cuốn tản văn nhẹ nhàng, dung dị, những câu chuyện đời thường, những lời thủ thỉ tâm sự như với những người bạn, kể cho nhau nghe về một sở thích với một niềm hăng hái khó giấu diếm. Haruki tìm thấy rất rất nhiều sự tương đồng (một cách bất ngờ) giữa việc chạy và viết văn. Với ông, cả hai công việc này đều cần sự chăm chỉ, khổ luyện, rèn rũa từng ngày từng ngày, hoàn toàn không phải dựa vào tài năng bẩm sinh (điều mà hầu hết chúng ta đều cho rằng tiên quyết với một nhà văn giỏi). Qua lời tâm tình của tác giả, người đọc có thể mường tượng ra cuộc sống đời thường của ông hoàn toàn giống như mọi người bình thường khác, có một (hoặc hai) công việc yêu thích để làm, công việc mà nhiều người đánh giá thành công nhưng không phải lúc nào ông cũng dễ dàng đạt được những gì mình muốn. Ông cũng phải khổ luyện, thậm chí còn tự nhận là khổ luyện còn hơn cả nhiều công việc tay chân khác (ông cũng tự nhận viết văn cũng không khác công việc tay chân là bao). Có thời kỳ ông cũng phải ép mình ngồi vào bàn dù hoàn toàn không biết hoặc không có gì để mà viết, vì đó là cách ông duy trì rèn luyện cho bộ não hoạt động liên tục. Điều này đôi khi mệt mỏi khiến ông chán nản nhưng như ông đã nói, tôi chưa bao giờ là người từ bỏ. Chạy bộ cũng vậy. Ông tự nhận không phải lúc nào cũng thích chạy, và nhiều người cùng sở thích với ông cũng công nhận điều này. Ấy vậy mà họ vẫn ngày ngày dậy sớm, thắt dây giày, mặc bộ đồ thể thao và lao ra đường trên những cung đường dài đằng đẵng, chỉ có trời mưa mới cản bước. Haruki đã nghiêm khắc rèn luyện bản thân, rèn rũa từng khối cơ, rèn luyện cả ý chí và nghị lực để đạt được thể lực cần thiết nhất. Ông tính toán thời gian trước mỗi cuộc đua để lên lịch tập luyện và buộc mình gắn chặt đến mục tiêu ấy. Xuyên suốt cuốn sách là hơn 10 năm Murakami tham gia hàng chục cuộc đua lớn nhỏ, gần như năm nào ông cũng tham gia một cuộc thi chạy marathon hoặc ba môn phối hợp trong và ngoài nước. Chắc chắn không phải vì giải thưởng. Đôi khi điều duy nhất ông đạt được chỉ là vượt lên thành tích của chính mình (và một vài bữa tiệc thịt nướng với rượu Sake ngon tuyệt hảo). 
Một điều tác giả rất cảm kích thời gian chạy bộ đã mang lại cho ông một thể lực tốt, bằng chứng là hầu như ông không ốm bao giờ (một lần ốm hiếm hoi đã làm ông không thể tham gia giải đua ba môn phối hợp). Và nhờ đó ông có thêm trí lực (cả sức khỏe nữa) để hoàn thành các tác phẩm tiểu thuyết. Có đôi lúc ông bị chấn thương, nhưng chỉ cần chớm khỏe trở lại Haruki lại mon men ra đôi giày chạy. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều mẩu chuyện nho nhỏ đáng yêu về thời gian rẻn luyện của ông cho từng giải đua mà tôi tin là mọi người đều cảm thấy thích thú, cho dù bạn có phải người tập thể thao hay không. 
Một vài fun facts từ cuốn sách:
1. Vaseline: trong một giải đua ba môn phối hợp, Murakami đã cẩn thận bôi Vaseline khắp người để dễ cởi bộ đồ bơi (trước khi tham dự môn đua xe), nhưng sau đó ông lại sơ ý đưa tay lên lau kính bơi. Hậu quả là cả đoạn bơi đua ông hoàn toàn không nhìn thấy gì nên đã bơi lệch đường đua rất nhiều lần.
2. Cuộc đua siêu marathon: Đó là đường đua dài nhất Murakami từng tham gia, dài hơn 30 dặm (marathon thông thường chỉ khoảng 26 dặm), và ông đã mô tả một cách vô cùng hài hước từng bước từ dặm thứ 27 đến khi về đích, khi mà cơ thể của ông hoàn toàn không được luyện tập trước với chặng đua dài như vậy, rất ngộ nghĩnh.
3. Viết du ký: Murakami nhận lời viết một bài du ký cho một tạp chí về chủ đề nhà văn chạy bộ, cung đường ông lựa chọn là Athens, Hy Lạp. Nhiếp ảnh gia đi ôtô cùng đã rất kinh ngạc khi phát hiện Murakami đã thực sự chạy hết chặng đường đó chứ không phải chỉ chạy có mấy mét, chụp vài tấm ảnh là xong như mọi nhà văn khác (chính Murakami cũng ngạc nhiên không kém khi biết chỉ có mình ông làm như vậy).
4. Giải chạy Murakami: có một giải chạy ở Nhật Bản có tên giống hệt họ của Haruki, và điều này hoàn toàn không liên quan gì đến cá nhân ông cả.  
5. 10 năm: là thời gian một nhà xuất bản đã quyết tâm chờ đợi để Murakami gửi bản thảo cuốn sách này, và cuối cuốn sách thì ông đã không quên cảm ơn họ vì sự kiên nhẫn hiếm có này.
6. Nhan đề sách: nhan đề cuốn sách này được lấy cảm hứng từ cuốn sách Tôi nói gì khi nói chuyện tình (What we talk about when we talk about love) của nhà văn Raymond Carver.
7. Bia mộ: Haruki mong muốn khi ông qua đời bia mộ sẽ chú thích “Nhà văn kiêm người chạy bộ - Ít ra thì ông ấy không cuốc bộ”.
Thu Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết