Bạn có muốn trở thành một người “không biết sợ”?

Người mắc hội chứng "không biết sợ" chẳng hề mảy may sợ hãi bất cứ thứ gì

"Bóng đè" - Nỗi sợ hãi của màn đêm

Video: Những căn bệnh cực kỳ hiếm gặp trên thế giới

Hội chứng cường giáp là gì?

Kiểm soát giấc mơ: Dấu hiệu của não bộ khoẻ mạnh!

Con người từ khi sinh ra đều có khả năng suy nghĩ và cảm giác. Từ những năm tháng đầu đời, chúng ta đã được phát triển bằng những xúc cảm mạnh mẽ, và sự sợ hãi trở thành một phần tất yếu trong sự sinh tồn. Nhưng nếu mắc phải hội chứng “không biết sợ”, mọi cảm giác sợ hãi của ta sẽ biến mất, không còn ám ảnh, không còn hoảng loạn.

Sợ hãi vì đâu?

Sau rất nhiều các nghiên cứu, giới chuyên gia tin tưởng có một cơ chế kiểm soát nỗi sợ hãi của con người nằm bên trong não bộ. Nỗi sợ hãi, sự ảm ánh, cảm giác lo âu, hoảng sợ của con người đều xuất phát từ hoạt động và phản ứng của cơ chế này.

Vùng não đó được gọi là amygdala có cấu trúc hình quả hạnh, nằm phía sau tuyến yên. 

Hoạt động của amygdala gắn liền với quá trình học tập, thu nạp cảm xúc, có chức năng quan trọng trong việc đánh giá và phản ứng với nỗi sợ hãi của con người. Nó sẽ truyền và nhận tín hiệu kết nối đến vỏ não trước trán và cảnh báo các mối nguy hiểm, thậm chí ngay cả trước khi chúng ta có thời gian suy nghĩ về điều đó.

Khi sợ hãi, amygdala cảnh báo bằng cách tiết ra các hormone giúp con người kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh hành vi của con người tùy thuộc vào mức độ cảm xúc. Càng sợ nhiều, hormone được tiết ra càng nhiều.

Phần lớn các hormone tiết ra đều nhằm kích thích sức chiến đấu bản năng của chúng ta như: Làm tăng nhịp tim, lưu lượng máu đến các cơ, xương, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất… Đó là lý do vì sao khi đối mặt với nỗi sợ hãi, nguy hiểm, con người trở nên tỉnh táo, tập trung và khỏe hơn một cách bất thường.

Hội chứng “không biết sợ”

Hội chứng "không biết sợ" (bệnh Urbach-Wiethe) là một chứng bệnh bẩm sinh được tiến sỹ Erich Urbach và Camillo Wiethe phát hiện ra vào năm 1929.

Cho tới nay, các nhà khoa học xác định được khoảng 400 người trên thế giới mắc bệnh này. Các triệu chứng của bệnh rất khác biệt ở mỗi trường hợp nhưng đều có đặc điểm chung là người mắc bệnh không hề biết sợ điều gì.

Trường hợp một phụ nữ Mỹ (gọi là SM) mắc bệnh này, bà đã có những hành động không phải ai cũng dám làm: Tay không bắt rắn, đối mặt với những tên cướp có súng, thậm chí tự mình giải phẫu lấy viên đạn ra khỏi tay sau khi bị bắn và tự băng bó vết thương. Bà đã không mảy may sợ hãi khi bị bất cứ ai, bất cứ điều gì, kể cả khi bị đe dọa, tấn công.

Nhà nghiên cứu Justin Feinstein cùng các đồng nghiệp tại Đại học Iowa (Mỹ) đã tiến hành khảo sát trên bà và thấy rằng, amygdala đã bị vôi hóa, mòn đi và không hoạt động.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về căn bệnh kỳ lạ này để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.

“Không biết sợ” có là điều lý tưởng?

Trong cuộc sống, nhiều người cảm thấy sợ hãi trước một vật nào đó, người nào đó, sự kiện hay công việc nào đó. Những sự lo sợ ấy thường tồn tại rất lâu và có thể trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống của họ. Vậy nên, thật tuyệt diệu biết bao khi là một người “không biết sợ”.

Đối với các bệnh nhân mắc hội chứng “không biết sợ” thì không biết sợ có nghĩa là không hề có các ký ức đau buồn, không coi điều gì là tồi tệ hay nguy hiểm và không điều gì có thể ám ảnh tâm trí họ. Họ có thể thoải mái xem phim kinh dị, chơi đùa với thú dữ, đánh cướp… mà không hề nao núng, sợ sệt.

Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kỹ nếu bạn muốn trở thành một người “không biết sợ” (dù điều này không hề dễ dàng).

Người ta vẫn thường cho rằng, sợ hãi là một cảm xúc không tốt. Nhưng, có những nỗi sợ lại rất cần thiết trong cuộc sống. Bởi lẽ, cái sợ sẽ khiến con người trở nên cẩn trọng hơn. Vì cuộc sống luôn ẩn chứa những hiểm họa, những điều không thể lường trước nên ta sẽ phải tính toán cẩn thận và có những bước đi đúng đắn. Nếu không biết sợ, ai cũng có thể nhắm mắt làm liều, làm bừa thì hậu quả sẽ khôn cùng.

Vậy nên, là một người “không biết sợ” cũng chưa hẳn là một điều đáng đánh đổi.

Các nghiên cứu gần đây cho biết, mặc dù hội chứng “không biết sợ” không đe dọa tính mạng và không ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân, nhưng dù sao nó vẫn là một căn bệnh.

Người mắc phải hội chứng này, vì không coi điều gì là tồi tệ, không biết đau đớn, nên có thể dấn thân vào nguy hiểm mà không lường trước sức mình, như là: Gặp tai nạn khi đi xe tốc độ cao, bị giết khi đụng độ với cướp có vũ trang, bị thương khi chơi đùa với thú dữ…

Giáo sư Antonio Damasio, một nhà thần kinh học tại Đại học Iowa (Mỹ), người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hội chứng “không biết sợ” nhận định: "Nếu bạn không biết sợ, sẽ có khả năng có nhiều điều tồi tệ hơn xảy ra với bạn nhưng bạn không coi đó là tệ. Nếu bạn hay sợ hãi, bạn sẽ gặp ít điều xấu xảy ra nhưng tự bản thân lại cho là cuộc đời mình đầy nỗi đau. Vậy thì, biết sợ hay không biết sợ sẽ tốt hơn?".

Thanh Hà H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh