Hướng dẫn tự kiểm tra da giúp phát hiện sớm ung thư da

Ung thư da thường xuất hiện trên mặt, cổ, cánh tay, chân, tai và bàn tay.

Cách phòng ngừa ung thư ở người lớn tuổi

Thử nghiệm vaccine ung thư phổi đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA

Hai thực phẩm có liên quan đến ung thư đại trực tràng

Dấu hiệu cảnh báo ung thư da bạn không nên bỏ qua

Một nghiên cứu mới thực hiện tại Úc, quốc gia có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới, đã đánh giá khả năng tự phát hiện khối u hắc tố ác tính (Malignant Melanoma - MM), một dạng ung thư da nguy hiểm, của bệnh nhân.

Kết quả cho thấy, trong số 260 người tham gia được kiểm tra ung thư da toàn thân bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu sử dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân (21,7%) tự nhận biết được tổn thương là MM, trong khi đa số (78,3%) không thể nhận ra.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị cần xem xét lại các hướng dẫn sàng lọc ung thư da hiện tại và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để thúc đẩy phát hiện sớm, cải thiện kết quả điều trị và giảm gánh nặng kinh tế liên quan đến ung thư da.

Theo bà Rachel Nazarian, bác sĩ da liễu được cấp phép hành nghề tại Thành phố New York (Mỹ), việc thường xuyên tự kiểm tra da tại nhà giúp bạn nắm rõ các nốt ruồi và tổn thương hiện có. Điều này giúp bạn dễ dàng phát hiện những thay đổi bất thường cần được bác sĩ da liễu kiểm tra.

Tự kiểm tra đặc biệt quan trọng nếu bạn từng bị ung thư da hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, theo Erum N. Ilyas, bác sĩ da liễu được cấp phép tại Schweiger Dermatology Group ở Pennsylvania (Mỹ).

Mặc dù bạn có thể kiểm tra da tại các buổi khám sức khỏe định kỳ hàng năm với bác sĩ da liễu, nhưng bác sĩ Ilyas khuyên bạn nên đi khám thường xuyên hơn nếu có thể. Khám sức khỏe định kỳ chỉ cung cấp một cái nhìn thoáng qua về da của bạn, trong khi tự kiểm tra thường xuyên giúp bạn theo dõi những thay đổi quan trọng theo thời gian.

Tổ chức phi lợi nhuận The Skin Cancer Foundation tại Mỹ cũng khuyến nghị mọi người nên kiểm tra da hàng tháng. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè giúp bạn kiểm tra những vùng khó nhìn thấy như tai, sau gáy và da đầu.

Các bước kiểm tra tại nhà giúp phát hiện sớm ung thư da

Mặc dù không có quy trình tiêu chuẩn cho việc tự kiểm tra ung thư da, nhưng bác sĩ Ilyas khuyên bạn nên kiểm tra toàn bộ cơ thể một cách có hệ thống, bắt đầu từ mặt, cổ, lưng, ngực, cánh tay và cuối cùng là chân.

Để theo dõi những thay đổi theo thời gian, hãy chụp ảnh các nốt ruồi và lưu trữ chúng trong một album riêng trên điện thoại của bạn. Bạn cũng có thể vẽ sơ đồ hình người que để đánh dấu vị trí của các nốt ruồi và ghi chú ngày chụp ảnh để tiện theo dõi.

Quy tắc ABCDE nhận biết ung thư da

Hầu hết mọi người đều có nốt ruồi hoặc vết bớt trên da. Tự kiểm tra da thường xuyên không chỉ giúp bạn phát hiện những đốm mới mà còn theo dõi những thay đổi trên các nốt ruồi hiện có.

Để dễ dàng nhận biết dấu hiệu ung thư da hắc tố, hãy ghi nhớ quy tắc ABCDE:

  • Asymmetry (Tính bất đối xứng): Điều này có nghĩa khi chia đôi, hai nửa nốt ruồi không tương đồng nhau.
  • Border (Đường viền): Khối u ác tính thường có đường viền không đều, chỗ mờ chỗ đậm hoặc lởm chởm.
  • Color (Màu sắc): Nốt ruồi bình thường có màu sắc đồng đều. Nếu nốt ruồi có nhiều màu, sắc thái khác nhau như nâu, rám nắng hoặc đen xen kẽ với màu trắng, xám, đỏ hoặc xanh có thể là dấu hiệu cảnh báo ác tính.
  • Diameter (Đường kính): Nốt ruồi lớn hơn cục tẩy bút chì (khoảng 5-6 mm) được coi là bất thường, thậm chí khi không có dấu hiệu bất thường nào khác đáng chú ý.
  • Evolution (Sự tiến triển): Nốt ruồi có sự phát triển về màu sắc, đường kính hay chiều cao theo thời gian.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy đi khám bác sĩ da liễu ngay lập tức. Phát hiện sớm ung thư da là chìa khóa để điều trị thành công.

 
Việt An (Theo VerywellHealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư