- Chuyên đề:
- Bí quyết giảm cân
Kháng tinh bột khó tiêu hóa nhưng lại có thể hỗ trợ quá trình giảm cân
6 loại carbs nên ăn hỗ trợ quá trình giảm cân
Ăn gì giúp bạn giảm cân hiệu quả?
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục 1 lần/tuần vẫn có thể giảm cân
Podcast: Gợi ý cho người bắt đầu tập luyện giảm cân sau Tết
Theo một nghiên cứu quy mô nhỏ đăng tải trên chuyên san Chuyển hóa (Metabolism) của tạp chí Nature, sử dụng kháng tinh bột (resistant starch) ở dạng thực phẩm chức năng 2 lần/ngày trước bữa ăn có thể đem lại hiệu quả giảm cân. Kết quả này được ghi nhận trên 37 người thừa cân sau 2 lần thử nghiệm, lần một với kháng tinh bột và lần hai với tinh bột thông thường. Người tham gia cũng được cung cấp 3 bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày và theo dõi các chỉ số sức khỏe.
Nghiên cứu nhận thấy, sau 8 tuần dùng kháng tinh bột, người tham gia giảm trung bình 2,8kg. Trong giai đoạn dùng tinh bột bình thường, trọng lượng cơ thể của họ không thay đổi. Kết quả cũng chỉ ra rằng, kháng tinh bột không khiến đường huyết tăng vọt sau khi ăn.
Qua kiểm tra mẫu phân, nhóm nghiên cứu phát hiện một số chủng vi khuẩn tăng số lượng nhanh chóng ở người dùng kháng tinh bột. Khi nuôi cấy sang giống chuột có chế độ ăn nhiều chất béo, các chủng vi khuẩn này giúp tạo ra hiệu quả giảm cân.
Kháng tinh bột thực chất là một dạng chất xơ khó tiêu hóa hơn tinh bột thông thường. Do không thể tiêu hóa ở ruột non, chúng sẽ được lên men ở ruột già.
Chia sẻ với New Scientist, bà Rebecca McManamon – phát ngôn viên của Hiệp hội dinh dưỡng Anh Quốc nhận định, thử nghiệm quy mô nhỏ này chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, phát hiện từ nghiên cứu khá hợp lý, cho thấy tiềm năng của kháng tinh bột.
Theo nhóm nghiên cứu, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể thay đổi hệ vi sinh vật tại đường ruột, từ đó có thể trở thành “chiến lược chống béo phì triển vọng”.
Kháng tinh bột tự nhiên có trong hạt họ đậu, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch thô, chuối xanh. Một số thực phẩm giàu tinh bột thường gặp như khoai, mì Ý, gạo... nếu nấu chín, để nguội cũng hình thành kháng tinh bột. Có nhiều dạng kháng tinh bột khác nhau, nhưng điểm chung là cấu trúc phân tử của chúng khó hấp thụ tại ruột non.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn thực phẩm giàu kháng tinh bột. Người mắc hội chứng ruột kích thích dễ bị chướng bụng, đầy hơi khi ăn loại tinh bột khó tiêu hóa này. Nguyên nhân là các vi khuẩn tại đường ruột dùng kháng tinh bột làm thức ăn, quá trình lên men sẽ tạo ra khí gas.
Bình luận của bạn