Bí ẩn đằng sau tiếng khóc của trẻ

Bé khóc thường có rất nhiều nguyên nhân

Bé khóc dai: Dỗ hay... kệ?

6 mẹo nhỏ giúp giảm stress nhanh chóng

Giải pháp nào cho trẻ cận thị?

Báo động gia tăng tội phạm buôn bán trẻ em

Nhầm lẫn “chết người” về trẻ tự kỷ

Thông thường, tiếng khóc của bé sơ sinh được chia làm hai loại: tiếng khóc sinh lý và tiếng khóc bệnh lý, với các biểu hiện và âm điệu khác nhau. Bằng cách khóc, bé cho bố mẹ biết mình đang cần gì, đang bị gì để bố mẹ can thiệp và làm bé nguôi ngoai.

Khi vừa sinh ra, “ngôn ngữ” giao tiếp đầu tiên của trẻ sơ sinh với thế giới xung quanh chính là tiếng khóc. Việc giải mã đúng các cung bậc khác nhau trong tiếng khóc sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về nhu cầu từ đó đáp ứng và làm nguôi cơn “mè nheo” dai dẳng của bé. Đồng thời, biết phân biệt sự khác nhau trong tiếng khóc còn giúp các mẹ phát hiện ra những tình huống nguy hiểm cho sức khỏe của bé, từ đó có những can thiệp kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra cho bé yêu của bạn.

Với tiếng khóc sinh lý, bé khóc có thể do những nguyên nhân sau:

- Bé đang đói

Đói là một trong những lý do cơ bản nhất khiến bé yêu khóc. Bé có thể đang bị đói, thậm chí ngay cả khi lần bú cuối cùng của bé cách đây không lâu. Vì vậy nếu bé yêu của bạn khóc, bạn nên thử cho bé uống sữa. Một trong những cách giúp bạn nhận ra con muốn ăn là bé bắt đầu ngọ nguậy, làm ồn và rúc rúc vào ngực bạn (nếu bạn cho bé bú). Khi ấy, bạn nên cho bé bú ngay trước khi bé bắt đầu khóc váng lên. Còn khi bé đã khóc, việc được cho ăn sẽ không làm bé im ngay mà trẻ chỉ yên ắng lúc đã no bụng.

Biểu hiện: Một tiếng khóc chậm, to, tiếng khóc này gắn chặt với tiếng khóc kia, hoặc bé khóc rồi dừng lại, rồi lại tiếp tục khóc, xen lẫn với những động tác mút tay...

- Cảm thấy lo âu

Bé sẽ bám bạn hơn bất kỳ ai, do đó khi không trông thấy bạn, bé sẽ khóc vì bé cảm thấy lo âu. Thường trẻ thích nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ, nghe tiếng nói và cả nhịp đập trái tim bạn, thậm chí các bé còn nhận ra cả mùi đặc biệt của bố mẹ mình (nhất là mùi sữa mẹ). 
Trong trường hợp này, bạn cần âu yếm, vỗ về bé. Đặc biệt, bạn hãy bế con lên, ẵm bé vào lòng để bé không còn "sợ hãi", khi cảm nhận được hình ảnh quen thuộc trẻ sẽ ngừng khóc.
Biểu hiện: Bé khóc thét lên. Khi khóc toàn thân bé có thể giãy giụa lung tung.
Trẻ khóc thường có nhiều nguyên nhân
- Bé bị đau
Khi bị va đập vào đâu đó do hiếu động, cũng là lý do khiến bé khóc. Nhiều khi bé giật mình nghe phải những âm thanh lạ, bé cũng có thể khóc. Bạn chỉ cần ở bên bé vỗ về, ôm ấp hoặc có thể đưa cho bé đồ chơi để bé quên đi.
Biểu hiện:  Tiếng khóc nghe như tiếng thét thất thanh, sau đó là sự im lặng và những tiếng thở ngắn, hổn hển...
- Bé khó chịu 
Khi bị chướng hơi, cần ợ hơi, hay cảm thấy không thoải mái vì tã bị ướt, hăm tã, hay thời tiết quá nóng, quá lạnh, không gian không thoáng mát, ồn ào v.v… cũng có thể khiến bé cảm thấy khó chịu và khóc. Khi đó mẹ nên tìm hiểu kỹ vì sao bé không thoải mái, nếu tã ướt nên nhanh chóng thay tã cho bé, nếu bé thấy nóng nên cho bé mặc quần áo rộng và mềm mại v.v…
Biểu hiện: Tiếng khóc bình thường, không có gì đặc biệt, đôi khi bé thét to lên, nước mắt giàn giụa.

- Mọc răng

Bé mọc răng thường chảy nước dãi, hay cho tay vào miệng. Vì khó chịu trong miệng nên bé cũng hay khóc nhè.

Mọc răng cũng có thể khiến bé hay khóc

- Kích thích bên ngoài

Bạn có thể thấy bé hay khóc hơn sau những kỳ nghỉ lễ - dịp tụ tập mọi người trong gia đình hay lúc cuối ngày mà chẳng vì lý do gì. Thật ra, các bé thường rất khó thích nghi với tất cả những kích thích bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn hay việc di chuyển quá nhiều... Và tiếng khóc có thể là cách để bé nói: "Con quá mệt rồi!". Khi ấy, bạn hãy cho bé ở một nơi yên tĩnh, thoải mái với không khí thật trong lành. Bạn cần giúp bé thư giãn để có được giấc ngủ yên lành. Hoặc bạn có thể ôm bé vào lòng, ngồi yên và kể chuyện cho bé nghe.

Biểu hiện: Tiếng khóc ban đầu tương đối thấp, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được bé sẽ khóc to hơn, và khóc liên tục.

- Bé thất vọng

Nếu bé cố làm những gì ngoài khả năng mà không làm được cũng là lý do thông thường khiến bé khóc. Việc bạn cần làm là sắp xếp đồ vào nơi để bé dễ lấy. Kế sách mới là bạn hãy giới thiệu cho bé đồ chơi mới để bé thôi khóc.

Biểu hiện: Bé cố với một thứ gì đó, khi không với được bé òa khóc.

- Bé đau bụng

Sau một vài giây yên lặng để lấy hơi, bé lại tiếp tục hét và khóc to hơn. Những em bé bị đau bụng thường có biểu hiện là mặt bé bắt đầu đỏ, bé co đầu gối lên phía bụng và khóc dữ dội trong vài giờ liền.

Biểu hiện: Bắt đầu bằng tiếng khóc to, thậm chí bé có thể hét lên.

Cho bé đồ chơi cũng là cách để dỗ bé nín khóc

- Bé bị ốm

Nếu bạn đã cho con ăn và thấy con hoàn toàn thoải mái (tã vẫn sạch, người đủ ấm...) nhưng bé vẫn khóc, hãy kiểm tra nhiệt độ để xem bé có bị ốm không. Tiếng khóc của bé khi ốm khác hẳn lúc đói hay khi cáu gắt, những ông bố bà mẹ trẻ sẽ sớm "đọc" được điều này và biết lúc nào cần đưa con đi khám.

Nếu các mẹ đã xem xét tất cả các yếu tố trên mà vẫn không xác định được nguyên do vì sao bé khóc, thì lúc này cần cân nhắc đến tiếng khóc do bệnh lý có thể đang tiềm ẩn bên trong bé. Với một số loại bệnh, tiếng khóc mà bé báo hiệu cho bạn cũng có thể khác nhau:

Viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun): Sẽ làm cho bé khóc thét, tiếng khóc không nhanh, không chậm, đều đều. Khi quan sát mẹ sẽ thấy sắc mặt bé trắng nhợt, vã mồ hôi, bé có thể nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu sờ vào bé sẽ khóc to hơn. Nếu bé khóc trước khi ngủ thường là bé bị giun kim ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé.

Ngạt mũi, đau đầu, cảm cúm: Bé sẽ khóc với âm điệu bình thường, đồng thời bé ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín. Tiếng khóc này sẽ khác với khi bé khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, kèm theo khó thở, sốt bỏ bú là khả năng bé bị viêm amidan cấp; hay khi bé khóc xong lại thở khò khè thì có khả năng là bé bị viêm phổi. Nếu bé bị viêm phổi biến chứng nặng dẫn đến suy tim thì tiếng khóc sẽ yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng, khi ấy mẹ cần phải đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt, đồng thời theo dõi sát sao các biểu hiện khác của bé.

Viêm tai giữa: Bé sẽ khóc không yên, kèm theo sốt, hay lắc đầu, vò tai, nếu mẹ lấy tai ép vào vành tai bé lại càng khóc dữ dội, lúc này cần nghĩ đến nguy cơ bé bị viêm tai giữa.

Thiếu canxi và còi xương giai đoạn đầu: Bé sẽ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều.

Nếu bé khóc từng cơn, kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột. Tiếng khóc này của bé sẽ khác với tiếng khóc khi bé đi tiểu tiện, khi đó có thể bé bị viêm đường tiểu. Nếu bé rặn đỏ mặt và khóc nhiều khi đi đại tiện, phân cứng có thể nghĩ đến trường hợp bé bị táo bón.

Viêm miệng, niêm mạc lợi bị sưng sẽ làm cho bé khóc khi ngậm vú và không chịu bú. Nếu mắc bệnh ở não hay màng não, bé có thể sẽ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa.

Đối phó với một thiên thần nhỏ đang “mè nheo” dù vì bất cứ lý do gì cũng khiến các mẹ bối rối và lo âu. Tuy nhiên, do tâm trạng mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến bé, vì vậy các mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân bé khóc để tìm ra cách xử lý phù hợp. Nên nhớ dù bé khóc vì nguyên nhân gì, các mẹ hãy nhanh chóng dỗ nín bé, vì nếu để mặc bé sẽ khóc nhiều hơn và vất vả hơn. Khi la khóc quá lâu bé sẽ hít thở không khí quá nhiều vào đường ruột và dạ dày, có thể gây nên chứng bệnh phình bụng to và ảnh hưởng lâu dài đến phát triển tâm lý của bé.
Minh Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ