3 loại bệnh người già hay gặp vào mùa đông

Người cao tuổi sức đề kháng thường kém nên dễ bị mắc bệnh

5 thức uống giúp người già khỏe đẹp

Vận động - Nhu cầu thiết yếu tuổi già

Muốn khỏe đẹp, đừng hạn hẹp ăn quả

Nhấc chân lên và... đi!

Để mùa đông luôn luôn... ấm áp!

Bệnh về đường hô hấp

Người cao tuổi sức đề kháng thường kém nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh gây ra bởi vi sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm). Các loại bệnh thường gặp như viêm mũi, họng, thanh quản - loại bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng thường gia tăng đột biến khi thời tiết trở lạnh. Bệnh thể hiện bằng hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước; Đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở, có thể ho khan hoặc có đờm.

Đờm có thể là màu trắng, đặc quánh hoặc lỏng, đôi khi có một ít máu tươi do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra. Nếu viêm họng kéo dài thì cơn ho sẽ làm cho người già rất khó chịu, nhất là gây đau thượng vị, kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính kéo dài hoặc viêm mũi mạn tính rất có thể biến chứng viêm xoang gây nhức đầu.

Một số người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khi thời tiết trở lạnh rất dễ tái phát và có khi gây nguy kịch cho người bệnh. Hơn nữa, nếu khi thời tiết thay đổi kèm theo môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng (vì mùa lạnh dễ đóng kín các cửa) cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc hoặc tái phát các bệnh về đường hô hấp.

Người già cần giữ ấm cơ thể để phòng các bệnh vào mùa lạnh

Đột quỵ

Theo thống kê của các bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng từ 15 - 30% so với bình thường. Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xuất huyết não) xảy ra khi dòng máu cung cấp lên một phần não bị đột ngột ngưng trệ hoặc khi có một mạch máu trong não bị vỡ. Lúc này, thể tích não bệnh lý tăng nhưng hộp sọ không tăng. Từ đó, hiện tượng chèn ép phần não lành và các trung khu thần kinh thực vật quan trọng làm cho chức năng mạch huyết áp, hô hấp dễ bị thương tổn khiến sự sống của người bệnh như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh được xem là “mối nguy” khởi phát đột quỵ não. Dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch, khiến thành mạch máu bị tổn thương, thậm chí có thể vỡ, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu đe dọa đến tính mạng.

Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu qua não ở lứa tuổi giảm rất thấp, khả năng dự trữ chức năng không còn nhiều, nên khó thích nghi với những thay đổi thất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng là “miếng mồi ngon” của đột quỵ.

Đau nhức xương khớp

Khi về già, chức năng cũng như cấu tạo khớp đều có sự thay đổi, khớp trở nên kém linh động hơn, tế bào khớp bị thoái hóa, gân và dây chằng bị phân đoạn, đóng vôi, khô cằn, trở nên kém bền bỉ, không chịu đựng được với căng lực nên dễ bị tổn thương, sụn trở nên đục màu, hóa xơ, khô nước, rạn nứt với nhiều tinh thể calcium làm khớp đau.

Người già bị viêm khớp mà không không biết chăm sóc khớp đúng cách cộng thêm vào mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh xương khớp xuất hiện. Thời tiết lạnh càng làm cho các khớp đang bị bệnh thêm đau nhức, tê, mỏi, khó chịu. Điển hình là những khó chịu trên vùng khớp tay, khớp ngón chân, thậm chí có người buổi sáng bị cứng khớp, khó cử động hàng giờ. 

Để phòng các bệnh vào mùa lạnh nên:

- Giữ ấm cơ thể, sáng sớm phải mặc đủ ấm, đặc biệt ở các bộ phận như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những chỗ đông người.
- Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng gia đình (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi trong gia đình có người ốm.
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già