Người già sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng như thế nào?

Thuốc: Dễ tai biến


Người già dùng thuốc cần có sự hỗ trợ của y tá hoặc người thân

Theo GS.TSKH Hoàng Tích Huyền, tuổi thọ con người ngày càng cao, người cao tuổi ngày càng nhiều hơn. Kéo theo đó là nhiều bệnh lý xuất hiện trên cùng một cơ thể. Những bệnh này đồng thời xuất hiện/tồn tại trên một cơ thể đã có nhiều thay đổi theo năm tháng. Những biến đổi này có đặc điểm cá thể, nghĩa là không xuất hiện đồng thời, đồng tốc ở những người cao tuổi khác nhau. Do đó, rất dễ hiểu vì sao đã có những tai biến khi dùng thuốc cho lứa tuổi này.

4 nguyên tắc chung dùng thuốc ở người cao tuổi:

1. Không nhất thiết phải dùng thuốc để dự phòng và chữa bệnh, không nên hễ nói đến bệnh là nghĩ ngay đến thuốc. Nếu dùng thực phẩm chức năng, tập dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, bấm huyệt, lý liệu pháp…cho kết quả tốt mà không cần dùng thuốc thì nên ưu tiên.

2. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc mới chữa được bệnh, thì dùng càng ít loại thuốc càng tốt, chọn thuốc ít độc và hiệu lực cao; Nên chọn đường dùng thuốc an toàn nhất mà vẫn đảm bảo công hiệu và tránh tác dụng phụ.

3. Chọn liều thích hợp, tối ưu, đảm bảo vừa an toàn, vừa công hiệu, phải tính đến trạng thái cơ thể của bệnh tật của người già, khả năng giải độc của gan và đào thải của thận. Phải luôn nhớ với người cao tuổi, khi chữa bệnh này có thể gây tác hại cho cơ thể do có thêm bệnh khác.

4. Khi dùng thuốc trong một thời gian dài, phải thực hiện đủ chế độ theo dõi, kiểm tra, nhận định kết quả, từng thời gian và điều chỉnh khi cần.

Tai biến do dùng thuốc ở lứa tuổi 60 - 70 thường cao gấp đôi so với lứa tuổi 30 - 40; 1/20 số người bệnh cao tuổi bị tai biến do thuốc, ví dụ các thuốc tim mạch, thuốc ngủ, chống đái tháo đường, kháng sinh… Đó là do những tổn thương lưu cữu của những quá trình bệnh lý kéo dài trong suốt cuộc đời đã dẫn đến giảm sút về số lượng những mô và tế bào có hoạt tính, làm cho người già dễ nhạy cảm với độc tính của thuốc.

Bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi giảm diện hấp thu, giảm tốc độ tháo sạch của dạ dày, giảm khả năng vận động của ruột, giảm lưu lượng máu ở ruột. Như vậy, khuynh hướng chung ở người cao tuổi là giảm hấp thu với thuốc uống. Với thuốc kích ứng niêm mạc thực quản hoặc dạ dày, cần uống lúc no, ở tư thế đứng với 10ml nước, ví dụ khi uống aspirin, thuốc chống viêm, chế phẩm chứa sắt…

Gan là nơi chủ yếu chuyển hóa thuốc, làm mất độc tính và tăng đào thải thuốc. Ở người cao tuổi, gan “già cỗi”, thiếu khả năng chuyển hóa thuốc, làm cho thuốc tích tụ lại và tăng độc tính. Lưu lượng máu qua gan cũng giảm theo tuổi già, khối lượng gan giảm khi tuổi càng tăng, nếu thuốc nào qua được gan càng tăng độc tính ở người cao tuổi.

Về đào thải thuốc ở tuổi già, một phần các đơn vị thận bị teo, thận bị xơ cứng. So với ở người trẻ, thì hoạt động của thận ở những người 70 – 80 tuổi giảm từ 1/3 đến 1/2.Ở người rất già, lưu lượng máu qua thận giảm từ 47 - 73% so với ở người trẻ, độ lọc qua thận giảm thấp còn 40 – 45%.Khi độ thanh lọc ở thận giảm, thuốc sẽ tăng tích lũy và gây độc.

Người già thường gặp nhiều bệnh mạn tính, nên cần dùng thuốc có khi vài tháng, vài năm hoặc suốt đời. Dùng từng đợt dài hay ngắn là tùy chỉ định của bác sỹ (căn cứ trên loại thuốc, loại bệnh mạn tính và kết quả điều trị). Nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có những quãng thời gian nghỉ thuốc xen kẽ.

Hai khuynh hướng cực đoan trong dùng thuốc dễ gặp ở người già: hoặc là không ưng thuận dùng thuốc (vì khó uống, ngại tiêm…), hoặc lạm dụng thuốc để “sống lâu”. Vì vậy, nguyên tắc dùng thuốc cho người cao tuổi là phải có y tá hoặc thân nhân trực tiếp thực hiện. Và tốt nhất là để thuốc tránh xa người cao tuổi.

Người già dùng thuốc viên dễ lẫn, hay quên, mắt mờ, khó uống (do khô miệng, khối u thanh quản hoặc thực quản…), cảm thấy vướng cổ họng. Với thuốc nước càng phải thận trọng, do người già có những tật kể trên, thêm vào đó là tay run, có khi hư khớp tay, lọ thuốc chia vạch, chia thể tích không chính xác, lời dặn của thầy thuốc chưa đủ. Hậu quả là người bệnh thực hiện sai y lệnh, có khi nguy hiểm tới tính mạng.Với thuốc nhỏ mắt có khi nhỏ ra ngoài mắt mà không biết. Cần tránh kê đơn theo đơn vị nhỏ giọt cho người già.

Thực phẩm chức năng: Tốt khi dùng đúng


Cũng tương tự như dùng thuốc, sử dụng TPCN để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh ở người cao tuổi cũng gặp phải nhiều khó khăn do sự suy giảm các bộ phận trong cơ thể và sự phát sinh nhiều bệnh trên một cơ thể suy giảm.

Khi về già, con người cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn trước, không chỉ để tránh thiếu hụt dinh dưỡng mà còn giúp bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng lão hóa và các loại bệnh tật.Tuy nhiên, bước vào tuổi 60, người già thường đứng trước nguy cơ bị thiếu calci, kẽm, kali, magne và các nguyên tố vi lượng. Trong khi đó, việc bổ sung dinh dưỡng bằng các thực phẩm tự nhiên lại khó được hấp thu đầy đủ do sự suy giảm các cơ quan chức năng. Do đó, việc sử dụng vitamin, khoáng chất và các sản phẩm TPCN có chứa các hoạt chất thiên nhiên cũng có thể mang lại những công dụng giống như thuốc, hoặc tăng hiệu lực của các loại thuốc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các loại TPCN, thực phẩm bổ sung có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc khi dùng chung. Ví dụ như uống dầu cá hoặc vitamin E liều cao cùng lúc với aspirin hay warfarin (một loại thuốc chống đông máu, hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh như tai biến, đột quỵ…) có thể khiến cho lâu đông máu hơn bình thường.

Cũng giống như với thuốc, trước khi sử dụng TPCN, người cao tuổi nên tham vấn ý kiến bác sỹ, đặc biệt là khi đang sử dụng một hoặc vài loại thuốc nào khác.

3 dạng TPCN cơ bản người cao tuổi nên sử dụng:

1. Sản phẩm thải độc: Giúp cơ thể thải loại ra ngoài những chất cặn bã, chất độc đã lưu cữu lâu ngày, chủ yếu theo đường bài tiết.

2. Sản phẩm bổ sung: Bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho từng tế bào khi mà cơ thể không thể hấp thu đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu từ bữa ăn hàng ngày.

3. Sản phẩm chống lão hóa: Giúp cơ thể làm chậm quá trình lão hóa và chống lại các tác nhân có hại từ môi trường.




linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già