Người lớn có nên uống sữa?

Uống sữa mỗi ngày giúp giảm cân

Bị ung thư vú sau 3 năm uống sữa đậu nành liên tục

Bé 16 tháng tuổi có uống được sữa tươi?

U xơ tử cung có cần kiêng uống sữa đậu nành không?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa, vậy chúng ta sẽ chọn loại sữa gì phù hợp cho người lớn. Thông thường, các loại sữa có chất béo và có vị ngọt thì sẽ dễ uống hơn vì thơm ngon.

Tuy nhiên, do khả năng tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa các chất ở người lớn chậm hơn lúc trẻ, và do người lớn dễ có nguy cơ bị các bệnh cao huyết áp, cholesterol máu cao, rối loạn chuyển hóa đường, các bệnh mạn tính về tim mạch hay viêm khớp...

Nên khi người lớn uống sữa cần lưu ý chọn loại sữa ít béo hoặc không béo, ít đường hoặc không đường, và ít cholesterol hoặc không cholesterol. Lượng sữa uống mỗi ngày sẽ phải cân đối với các thực phẩm khác để bảo đảm sự cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể và không nên quá lạm dụng.

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa dinh dưỡng Cộng đồng, Trung tâm dinh dưỡng Tp.HCM: “Sữa là sản phẩm rất giàu canxi, giàu đạm quý có đầy đủ các axit amin thiết yếu với tỉ lệ cân đối, và chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B nên đây là thực phẩm bổ dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người”.

Người lớn rất cần nhận đủ canxi hàng ngày để phòng tránh loãng xương. Người lớn thường ăn ít hơn lúc trẻ nên lượng canxi đưa vào cơ thể từ chế độ ăn hàng ngày sẽ không đủ cung cấp cho cơ thể nên nguy cơ xảy ra loãng xương rất cao. Trong khi đó, canxi từ sữa lại rất dễ hấp thu, vì vậy, người lớn nên uống sữa thường xuyên mỗi ngày (khoảng 1-2 ly) để bổ sung canxi cho cơ thể giúp phòng tránh loãng xương.

Tuy sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng với người lớn chỉ nên uống sữa bổ sung như là bữa phụ, chứ không thể thay thế cho bữa chính hàng ngày được vì sẽ mất cân đối do sữa không có đủ những dưỡng chất khác mà cơ thể cần như: chất sắt, kẽm, chất xơ, một số vitamin…

Trong trường hợp ăn kém hoặc đau ốm, cần chia nhỏ bữa ăn, sử dụng thêm các loại thực phẩm nhiều năng lượng, kết hợp tăng số bữa phụ như uống sữa hoặc các thức ăn phụ bổ dưỡng và dễ tiêu hóa khác.

Tại sao người lớn khó tiêu hóa sữa?

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có đến 60% người trưởng thành trên toàn thế giới không tiêu hóa được sữa. Điều này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm gien của từng tộc người thuộc các vùng miền khác nhau. Con người là loài duy nhất có thể uống sữa khi không còn bú mẹ nữa, dù rằng cứ 10 người lớn là có đến 6 người không dung nạp được sữa.

Nguyên nhân chính là do họ không tiêu hoá được chất lactose, là chất đường chủ yếu được tìm thấy trong sữa. Người châu Âu hay châu Mỹ ít bị tình trạng này, nhưng việc họ có thể tiêu hoá được sữa khi đã thành người lớn là một sự thích nghi về di truyền kỳ lạ.

Còn TS. BS Trần Thị Minh Hạnh cho biết: Rất nhiều người Việt Nam chúng ta, khi uống sữa là bị đau bụng đi tiêu chảy, dù sữa đã được pha chế thật hợp vệ sinh.

Lý do thường gặp của sự cố này là vì sau khi chúng ta được cai sữa từ thuở bé thơ, do tập quán ăn uống ít sử dụng sữa hay các thực phẩm chế biến từ sữa nên trong ruột chúng ta ít tiết ra men lactase để tiêu hóa đường lactose vốn có tự nhiên trong sữa. Nên khi phải tiếp xúc với đường lactose, do không có men lactase để tiêu hóa ngay lượng đường này, nên người lớn uống sữa dễ bị đi tiêu chảy, đây là một hiện tượng bình thường.

Để khắc phục tình trạng trên, người lớn nên uống sữa sau bữa ăn khoảng 30 phút, bắt đầu với một lượng sữa nhỏ (1/2 ly) rồi tăng dần lượng sữa qua từng ngày, sau khoảng từ 3-7 ngày là cơ thể sẽ thích nghi được với loại đường này và sẽ không còn đi tiêu chảy nữa.


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng