Thời tiết lạnh, trẻ nhập viện tăng

Nhiều bệnh nhi bị bệnh viêm phế quản do trời lạnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM sáng 18/12 (Ảnh: Hữu Khoa)

Đuối nước là tai nạn gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Việt

Loạt ảnh khiến bạn phải "cay mắt" về trẻ em trong năm 2014

Trẻ mắc hội chứng ruột kích thích ngày càng gia tăng

Bí quyết tăng sức đề kháng cho trẻ

Mẹ dùng điện thoại trong bữa ăn, con chịu thiệt

Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng

Một tuần nay, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp và hệ tiêu hóa. Mỗi ngày có gần 3.000 trẻ đến khám, trong số đó, từ 60% đến 70% trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi... Ngoài số trẻ bị bệnh hô hấp từ gần một tháng nay, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc tiêu chảy do rota virus (virus gây tiêu chảy mùa đông) nhập viện. Đây là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày, ruột cấp, gia tăng mạnh vào mùa đông do thời tiết giá lạnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời gian này, ngày nào cũng có hàng trăm trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp đến khám và điều trị. Không ít bé bị biến chứng sang bệnh viêm phổi nên phải nằm viện dài ngày. “Số bệnh nhân bị mắc bệnh về viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản tăng 30% so với bình thường. Khoa Nhi có gần 70 giường bệnh, nhưng ngày nào cũng có gần 200 trẻ nhập viện. Thời điểm này, nhiều trẻ phải nằm ghép, cứ 2 - 3 cháu một giường”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Không chỉ Hà Nội, ở TP.HCM, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp nhập viện tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tăng 20 - 30%. Tuần trước, mỗi ngày tại khoa chỉ có 170 - 180 trẻ nằm điều trị thì ngày 18/12 số bệnh nhi nằm viện điều trị tại khoa đã tăng lên 215 trẻ.

Rất đông phụ huynh mang con em đi khám (Ảnh: Dinhduong)

Tương tự, BS. Trần Thị Thu Loan - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho hay: “Số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng lên trong những ngày qua. Hiện nay tại khoa hô hấp và khoa dịch vụ hô hấp có khoảng 350 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đang điều trị tại viện”.

Trời lạnh - đề kháng trẻ giảm

Ở Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận tại Hà Đông là 9,3 độ C. Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ phần lớn có nhiệt độ 8 - 10 độ C. Vài ngày tới miền Bắc tiếp tục rét do không khí lạnh tăng cường. Trời quang mây khiến hiện tượng bức xạ nhiệt diễn ra mạnh hơn khiến tình trạng rét buốt ở miền Bắc chủ yếu xuất hiện về đêm và sáng sớm. Không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc đã ảnh hưởng hầu hết các tỉnh thành Nam bộ khiến nhiệt độ nhiều nơi giảm từ 2-3 độ C, trời se lạnh. Đây được xem là đợt lạnh nhất kể từ đầu mùa khô.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh Bắc Bộ, thời tiết ngày và đêm se lạnh, có thời điểm nhiệt độ giảm mạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng cao làm trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. “Trẻ có triệu chứng ho, sốt vào viện rất nhiều, đặc biệt là sốt virus. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi, hoặc viêm tai…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Còn tại TP.HCM, BS. Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết nguyên nhân khiến trẻ em bị bệnh hô hấp tăng cao đột ngột trong khoảng thời gian này là do ảnh hưởng của bão, áp thấp, trời bỗng dưng trở lạnh hơn so bình thường...

Cần giữ ấm cho trẻ

PGS.TS Tiến Dũng khuyến cáo, để phòng tránh bệnh về đường hô hấp ở trẻ, “Phụ huynh cần giữ ấm phần cổ, ngực cho cháu, không cho trẻ uống nước đá, đồ uống lạnh”. Ngoài ra, vị bác sỹ này lưu ý, khi thấy trẻ có biểu hiện ho, sốt cao, có biểu hiện nghi viêm phổi thì nên đưa đi khám sớm để được kê đơn thuốc điều trị, không nhất thiết phải nhập viện, mà nên theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hơn hoặc điều trị thuốc tại nhà không đỡ thì phải đưa đến bệnh viện ngay, không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, gây rối loạn tiêu hóa, làm trẻ chậm phát triển. Đối với những trẻ có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nặng.

Trẻ cần được giữ ấm đẩy đủ khi trời trở lạnh

Đối với bệnh do virus rota, ông nói: “Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3 - 24 tháng tuổi. Trong 5 năm đầu đời, phần lớn trẻ nhỏ đều mắc phải bệnh này. Khi trẻ mắc bệnh, thông thường trẻ bị nôn, sau đó khoảng một, hai ngày thì bắt đầu đi ngoài. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong, nếu không được bù nước kịp thời. Vì vậy, nếu thấy trẻ bị tiêu chảy, kèm ho, sốt, các vị phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm”.

Ngoài ra, điều mà BS. Anh Tuấn lo lắng là thời tiết chuyển lạnh không chỉ làm trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp mà còn khiến trẻ dễ bị lên cơn suyễn trong khi nhiều gia đình chưa biết cách phòng ngừa, cũng như cắt cơn suyễn. "Với những trẻ mắc bệnh suyễn đã được chẩn đoán, ngay trong thời gian này cần phải tiếp tục sử dụng thuốc chứ không được giảm liều hoặc ngưng thuốc phòng ngừa vì những bệnh nhi này dễ bị lên cơn suyễn khi thời tiết chuyển lạnh", BS. Anh Tuấn chia sẻ.

Cho trẻ ăn đầy đủ để giữ nhiệt

Theo các bác sỹ, trong mùa lạnh, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ cao hơn vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể, do đó các bậc cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt tăng cường ngũ cốc nguyên cám giúp cung cấp năng lượng lâu dài, các loại đạm từ thịt, cá, trứng, sữa,… các loại chất béo từ dầu thực vật, giúp trẻ không bị đói và mất sức.

Ngoài việc bổ sung các bữa ăn chính đầy đủ chất, cha mẹ nên cung cấp năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món như súp, canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên. Bên cạnh đó, thời tiết này, trẻ cũng cần uống nhiều nước, giữ vệ sinh tay chân, chăm sóc răng miệng sạch sẽ giúp phòng bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý tới giấc ngủ của trẻ, một giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn.



M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ