Sau Tết, nhiều trẻ nhập viện vì thủy đậu

Bệnh nhân mắc thủy đậu thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao

Dinh dưỡng ngăn ngừa sởi, thủy đậu

Năm nay, thủy đậu "ghé thăm" sớm

Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu như thế nào?

2 bệnh nhi nguy kịch vì nhiễm thủy đậu lây từ mẹ

Trẻ nhỏ "liên tiếp" nhập viện vì thủy đậu

Gia đình chị Hoài (Láng Hạ, Hà Nội) có con nhập viện do thủy đậu. Bé Nga con chị bị sốt khi học ở trường. Đêm về bé bị chảy nước mũi, đau họng, xuất hiện các vết ngứa. Cho bé uống thuốc 2 ngày không đỡ nên chị Hoài đã đưa con nhập viện. Chị Hoài chia sẻ: “Gần nhà tôi đang có dịch thủy đậu nhưng tôi bận đi làm không để ý, con ở nhà chơi với các bạn đang mắc bệnh. Kết quả là bé bị lây bệnh từ một số trẻ hàng xóm".

Chị Nguyễn Thị Hà ở Dịch Vọng, Cầu Giấy có con trai 3 tuổi bị thủy đậu đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Vài ngày trước, bé xuất hiện một vài nốt chấm đỏ, bắt đầu từ đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân; Liên tục kêu ngứa. Sau đó các chấm này lớn hơn, chảy nước và mủ. Khi đưa bé đến bệnh viện, tôi mới biết cháu đã bị thủy đậu biến chứng bội nhiễm do không được chăm sóc đúng cách. Tại phòng bệnh của con tôi, cũng có 4 trẻ đang phải điều trị biến chứng thủy đậu".

Tương tự, tại Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương…, hiện tiếp nhận rải rác mỗi ngày khoảng chục bệnh nhân bị thủy đậu vào khám. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu tuần đến nay tại khoa đón tiếp khoảng 10 bệnh nhân bị thủy đậu vào khám nhưng tất cả đều được chỉ định điều trị ngoại trú. Đa số trẻ vào khám với triệu chứng sốt và xuất hiện nhiều nốt ban ở vùng đầu và mặt. 

Tránh sai lầm khi điều trị bệnh

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Khi bé bị thủy đậu, nhiễm trùng là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện chủ yếu là nhiễm trùng da. Khi lên những nốt đỏ, trẻ hay gãi làm những nốt thủy đậu bị vỡ, khiến vi trùng xâm nhập vào và để lại sẹo. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Nhiều người cho rằng khi bé bị thuỷ đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, không lau rửa cho trẻ là một sai lầm. Theo bác sỹ Hồ Thị Hoài Thu – Viện Da liễu: "Nhiều người quan niệm khi bị thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió thật kỹ nên khi bị thủy đậu thường kiêng không tắm rửa, vệ sinh cơ thể, thậm chí không dám ra khỏi nhà vì tránh gió. Đây là một quan niệm sai lầm. Với bệnh thủy đậu, trẻ vẫn cần tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng cần phải đun nước ấm.

Bệnh thủy đậu đã có vaccine phòng ngừa, đo đó ngoài việc giữ vệ sinh cho các cháu khi đã mắc bệnh thì tiêm chủng là biện pháp phòng hữu hiệu nhất. Trong suốt thời kỳ bị bệnh, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu, không nhất thiết phải kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm nào đó. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn đồ loãng, uống nước canh gà, uống nhiều nước để bù nước do trẻ bị mất nước khi mụn vỡ.

Bệnh nhân mắc thủy đậu thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao, trên da nổi những nốt đỏ, sau 1 - 2 ngày thì nổi các mụn bóng nước ngoài da. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng 1 ngày sau trở nên đục như mủ rồi 2 - 3 ngày kế tiếp thì vỡ ra, các mụn sẽ đóng vẩy. Đây là một bệnh tương đối lành tính, ít biến chứng nguy hiểm. Nếu điều trị đúng chỉ định và vệ sinh sạch sẽ, không bị biến chứng thì bệnh thủy đậu sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày.
Huyền Thương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ