Mưa nắng thất thường, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trẻ?

Sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn

Du lịch khi thời tiết chuyển mùa, nguy cơ trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

Lưu ý để phòng bệnh viêm amidan ở trẻ em trong mùa Hè

UNICEF: Cần bảo vệ trẻ em khỏi khủng hoảng khí hậu

Tôi có thể đi làm nếu con đang bị thủy đậu không?

Mưa nắng thất thường, trẻ đổ bệnh "như chơi"

Sau những ngày cả nước nắng nóng, có nơi lên đến hơn 40 độ C, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã đón những cơn mưa, có khi tầm giữa trưa, có lúc lại tối muộn. Dù nhiệt độ có giảm nhưng kiểu thời tiết này lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Theo BS.Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ trên báo Tiền Phong, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc mưa dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm ở trẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng nhận định, những cơn mưa sẽ khiến nhiệt độ giảm, làm dịu bầu không khí oi bức. Tuy nhiên, chính sự giảm nhiệt đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi nên dễ đổ bệnh. Với trẻ nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

Thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt cao, độ ẩm lớn còn là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển làm thức ăn dễ ôi thiu, trẻ rất dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp khi ăn phải những loại thức ăn này. Hơn nữa, những ngày nắng nóng làm hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động yếu đi khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, mệt mỏi...

Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ mắc các bệnh về da vào mùa này. Các bệnh thường gặp như bệnh rôm sảy, viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema)...

Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe của trẻ?

Để chủ động bảo vệ sức khỏe con trẻ, cha mẹ nên theo dõi thông tin thời tiết mỗi ngày để ứng phó kịp thời với mưa nắng. Theo BS. Khanh chia sẻ trên báo Tiền Phong, cha mẹ cần mang sẵn áo mưa để kịp che cho trẻ khi mưa bất chợt. Khi về nhà phải lau khô người và mặc ấm ngay. Ngược lại, lúc trời nắng nóng thì cần sử dụng máy quạt, điều hòa đúng cách. Khi từ phòng máy lạnh ra ngoài nên để trẻ đứng giữa cửa một lát để cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh bị nóng lạnh đột ngột gây bất lợi cho sức khỏe.

Thói quen rửa tay với xà phòng cũng là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả cho trẻ. Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người. Cha mẹ nên dạy trẻ che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ.

Liên quan đến chế độ ăn uống, cha mẹ cần cho con ăn uống đủ chất, nhất là trái cây để tăng cường sức đề kháng. Uống nhiều nước để niêm mạc đường thở có đủ độ ẩm cần thiết, chống sự xâm nhập của những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Ngoài ra, phòng ngủ và nơi vui chơi của trẻ cần thoáng gió, sạch sẽ. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ