Lưu ý khi cho trẻ nhỏ đi biển dịp lễ 2/9

Chuẩn bị kỹ trước khi cho trẻ đi biển giúp trẻ trải nghiệm an toàn

Nghỉ lễ 2/9 ở Hà Nội đi đâu, làm gì?

Những lưu ý để có một chuyến đi du lịch 2/9 hoàn hảo

Mẹo hay phòng các bệnh về tiêu hóa khi đi du lịch

Cha mẹ lưu ý gì khi cho trẻ đi du lịch?

Chọn vùng biển an toàn

Cha mẹ nên cân nhắc chọn bãi biển an toàn sạch sẽ với trẻ nhỏ, dựa trên những yếu tố như nguồn nước, sóng biển, rác thải, bãi cát... Hạn chế cho trẻ đến những bãi biển sâu, nước đục, sóng lớn bởi có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, trước khi lựa chọn điểm đến, cha mẹ cũng nên tìm hiểu thời tiết khu vực đó để có kế hoạch chuẩn bị đồ đạc và vui chơi phù hợp.

Chuẩn bị đồ đạc cho trẻ

Một số món đồ chơi có thể giúp trẻ thích thú hơn trên bãi biển

Một số món đồ chơi có thể giúp trẻ thích thú hơn trên bãi biển

Để tránh việc quên đồ của trẻ, cha mẹ nên tạo một danh sách các vật dụng cần mang theo một cách cẩn thận. Việc này sẽ giúp cha mẹ ghi nhớ tốt hơn đồ đạc của bé, nhất là những thứ quan trọng.

Bên cạnh quần áo, nếu trẻ vẫn đang dùng dùng tã bỉm, bạn nên đem theo dư hơn một chút. Để hạn chế phải bế con và dễ dàng cho việc đi lại, bạn cũng có thể đem theo một chiếc xe đẩy có thể gấp gọn. Nếu là trẻ sơ sinh, bạn cũng nên đem theo đai địu để hạn chế phải bế trẻ trong suốt chuyến đi. Bạn nên mang theo sữa bột hoặc sữa nước uống liền cho trẻ đủ dùng trong suốt chuyến đi, đem theo một số đồ ăn vặt, đồ chơi trẻ yêu thích để phòng khi trẻ quấy khóc.

Cha mẹ cũng nên mang theo một số loại thuốc đề phòng, đặc biệt là khi gia đình có chuyến du lịch dài ngày như: Thuốc hạ sốt, nhiệt kế, dụng cụ sơ cứu vết thương, men tiêu hóa, kem chống nắng, kem trị hăm, thuốc chống muỗi...

Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng quên chuẩn bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị, hoặc đơn giản hơn là ghi các thông tin như tên bé, tên cha mẹ, số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ khách sạn... vào mảnh giấy và cho vào túi áo/quần của trẻ, phòng khi trẻ lạc.

Thoa kem chống nắng trước khi ra biển

Bảo vệ đôi mắt của trẻ khi ra biển với đôi kính phù hợp

Bảo vệ đôi mắt của trẻ khi ra biển với đôi kính phù hợp

Cha mẹ nên chọn kem chống nắng chuyên dành cho làn da nhạy cảm của trẻ, có chỉ số chống nắng SPF nên từ 40-50. Dù là trời nắng hay thời tiết mát mẻ hơn, bạn cũng không nên bỏ qua bước này để bảo vệ làn da của bé. Ngoài kem chống nắng, cha mẹ nên cho trẻ đeo kính khi bơi, mũ rộng vành khi chơi trên biển.

Lưu ý khi cho trẻ xuống tắm biển

Nếu trẻ dưới 12 tháng tuổi, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ xuống tắm biển vì theo các chuyên gia da liễu, lúc này da của trẻ còn rất nhạy cảm, dễ bị bỏng rát da cũng như có thể gặp một số vấn đề da liễu khác do nước biển.

Không cho trẻ tắm biển khi nhiệt độ cao

Không cho trẻ tắm biển khi nhiệt độ cao

Thời gian thích hợp để cho trẻ tắm biển, dạo mát là vào sáng sớm (trước 10 giờ) hoặc chiều mát (sau 4 giờ). Nếu mức nhiệt độ ngoài trời từ 35 độ C trở lên, bạn cũng không nên cho trẻ tắm biển. Chỉ cho trẻ tắm khoảng 1 tiếng, tránh trẻ bị cảm lạnh hoặc mệt mỏi sau bơi.

Cha mẹ nên cho trẻ khởi động nhẹ các khớp trước khi xuống biển, và nên xuống nước từ từ, không nên lao mình xuống nước ngay để tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột dẫn đến cảm lạnh. Chỉ cho trẻ bơi trong vùng gần bờ và luôn để mắt đến trẻ, phòng tránh đuối nước.

Cuối cùng, hãy nhắc trẻ nếu thấy các triệu chứng như ngứa ngáy, cảm thấy lạnh, bị chuột rút, đau mỏi chân tay... phải nói với cha mẹ ngay.

Vệ sinh cho trẻ sau khi tắm biển

Bạn nên tắm bằng nước ấm cho trẻ sau mỗi lần đi tắm biển về. Chú ý vệ sinh sạch sẽ các phần rốn, tai, mũi, hạn chế cát còn đọng lại. Rửa nhẹ mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.

Quần áo sau mỗi lần trẻ tắm biển sẽ có nhiều cát, bụi bẩn và ẩm ướt, do đó cha mẹ nên giặt quần áo cho trẻ sau khi tắm xong, không nên để ẩm ướt quá lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến da bé ở những lần mặc sau.

 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ