Mãn kinh sớm ảnh hưởng đến sinh sản và cả chất lượng cuộc sống
Thực phẩm giảm nguy cơ “sương mù não” thời kì mãn kinh
Bí quyết để xương chắc khỏe ở thời kỳ mãn kinh
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mãn kinh muộn có nguy cơ cao mắc hen suyễn
Giải pháp nào giúp phụ nữ mãn kinh sống vui khỏe?
Mỗi người phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh với những triệu chứng bốc hỏa, mất ngủ, tiểu không tự chủ… ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chị em đều đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và loãng xương cao ở độ tuổi này. Nguyên nhân là do buồng trứng sản xuất ra ít estrogen hơn trước đây. Hormone này có nhiệm vụ quan trọng với cơ thể, từ bảo vệ xương, đến giữ tim và não bộ khỏe mạnh.
Vì lý do trên, phụ nữ mãn kinh càng sớm (trước tuổi 45) thì càng dễ gặp các vấn đề sức khỏe, đồng thời làm suy giảm khả năng làm mẹ. Theo thống kê, có khoảng 3% phụ nữ xuất hiện mãn kinh trước tuổi 40.
Dưới đây là một số thông tin mà chị em mãn kinh sớm cần biết để chủ động nâng cao sức khỏe của mình:
Mãn kinh sớm không có nguyên nhân rõ rệt
Mãn kinh sớm trước độ tuổi 45 thường không có nguyên nhân chính xác. Trong một vài trường hợp, mãn kinh có thể xảy ra sau các thủ thuật như xạ trị, hóa trị ung thư, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng hoặc tử cung.
Phụ nữ với tiền sử gia đình mãn kinh sớm cũng dễ bước vào giai đoạn mãn kinh sớm hơn. Bác sĩ phụ khoa Mary Jane Minkin – Trường Y Đại học Yale (Mỹ) khuyến nghị, người mẹ mãn kinh trước tuổi 45 nên trao đổi với con gái mình để có biện pháp kế hoạch hóa gia đình từ sớm.
Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm gồm mắc các bệnh tự miễn như tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp hoặc do vấn đề về gene (hội chứng Turner).
Mãn kinh sớm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Mãn kinh vốn đi kèm những triệu chứng như khô âm đạo, mất kinh nguyệt, người dễ bốc hỏa, tóc rụng, da khô, trí nhớ suy giảm. Với phụ nữ mãn kinh khi chưa 40 tuổi, giai đoạn này lại càng gây ra nhiều thách thức.
Một trong số đó là tình trạng loãng xương ngay từ sớm, khiến chị em đối mặt với nguy cơ gãy xương cao hơn. Chị em ở tuổi này vẫn còn tích cực chơi thể thao cũng như có ham muốn tình dục. Triệu chứng như teo âm đạo, khô hạn có thể cản trở đời sống gối chăn của các cặp đôi.
Bổ sung estrogen giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe tuổi mãn kinh
Estrogen được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng, rất quan trọng để xây dựng và duy trì xương. Ở phụ nữ trẻ, estrogen còn giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu, giữ thành mạch đàn hồi tốt, duy trì cân bằng cholesterol.
Sau khi mãn kinh, buồng trứng không sản xuất nhiều estrogen nữa. Phụ nữ mãn kinh quá sớm sẽ phải sống nhiều năm không có sự bảo vệ của estrogen, do đó nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương cao hơn.
Ở người có mạch máu đã bị tổn thương do lão hóa, các bệnh lý béo phì hay có mảng xơ vữa động mạch, bổ sung estrogen có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. BS. Minkin khuyến nghị, trong vòng 6-10 năm kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng, chị em cần sử dụng liệu pháp estrogen bổ sung ngay.
Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế với phụ nữ mãn kinh sớm
Liệu pháp hormone là biện pháp hiệu quả giúp giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh sớm. Việc bổ sung estrogen và progesterone có thể ngăn ngừa loãng xương, cải thiện các vấn đề do sự suy giảm estrogen trong cơ thể gây ra như bốc hỏa, tiểu không tự chủ.
Liệu pháp hormone có nhiều dạng khác nhau bao gồm thuốc viên, miếng dán, gel hoặc kem. Các phương pháp điều trị hormone tại chỗ cũng có thể sử dụng qua đường âm đạo.
Dù vậy, liệu pháp này có liên quan đến một số nguy cơ sức khỏe nhất định như đau tim, đột quỵ và ung thư vú… Vì vậy chị em mãn kinh sớm cần đến thăm khám tại cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá sức khỏe và đưa ra phác đồ phù hợp. Phụ nữ có tiền sử ung thư vú, bệnh về gan, ung thư nội mạc tử vung, rối loạn đông máu cần thận trọng khi bổ sung estrogen. May mắn là nguy cơ này thấp hơn nhiều ở phụ nữ còn trẻ, khỏe và không có chống chỉ định với liệu pháp hormone.
Bình luận của bạn