Phát hiện bệnh qua màu nước tiểu

Màu nước tiểu nói lên điều gì về sức khỏe của bạn?

Podcast: Xét nghiệm nước tiểu có cần nhịn ăn không?

Nước tiểu màu bất thường có thể do 6 loại thực phẩm này

Mùi nước tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận

Dược sĩ người Anh Niamh McMillan đã đưa ra cảnh báo về một số màu sắc nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nước tiểu màu xanh lá hoặc xanh lam

Màu nước tiểu xanh lá hoặc xanh lam có thể là do màu thực phẩm trong bánh kẹo, nước ngọt. Bên cạnh đó, một số loại thuốc khi dùng cũng khiến nước tiểu của bạn chuyển màu xanh như amitriptylin trong điều trị trầm cảm, thuốc giảm đau indomethacin….

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu bệnh Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) – một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau ảnh hưởng đến da, máu và phổi. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám.

Nước tiểu màu nâu sẫm

Nước tiểu của bạn bỗng nhiên chuyển sang màu nâu có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

“Nước tiểu nâu là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất về tình trạng viêm gan. Các triệu chứng khác của viêm gan bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và da hoặc mắt vàng. Ngoài ra, nếu nước tiểu chuyển sang màu nâu kèm theo các triệu chứng như sưng ở mặt, tay, chân và cảm thấy mệt mỏi, bạn nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh liên quan đến thận”, dược sĩ Niamh McMillan cho biết.  

Nước tiểu màu đỏ

Nước tiểu có màu đỏ có thể xuất hiện do khi bạn ăn các thực phẩm có sắc tố hồng đậm hoặc đỏ tươi tự nhiên như quả mâm xôi, củ cải đường… Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có thể gây nên tình trạng nước tiểu đỏ như rifampicin trong điều trị lao phổi, phenazopyridine, thuốc táo bón chứa senna…

Nước tiểu màu đỏ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp một số vấn đề như tiểu máu, u xơ tiền liệt tuyến, sỏi thận, ung thư đường niệu…

Màu nước tiểu trắng đục

Nước tiểu màu trắng đục có thể cảnh báo tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), đặc biệt nếu kèm theo cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

Theo dược sĩ Niamh McMillan, nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu tăng tốc phát triển trong bàng quang. Phụ nữ dễ bị UTI hơn vì niệu đạo ngắn hơn nam giới. Thói quen lau từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh và quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng điều trị càng sớm càng tốt nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

 
Lê Tuyết (Theo Express.co.uk)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp