Mẹ "nhồi" thuốc bổ, con ốm nhiều hơn


Nên sử dụng thuốc bổ cho trẻ theo chỉ định của bác sỹ để tránh tác động tiêu cực

Dùng theo quảng cáo

Có con trai được 14 tháng tuổi, mặc dù cân nặng và thể trạng của bé phát triển bình thường nhưng chị Cao Hồng Hạnh, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy luôn mong mỏi con mình phát triển toàn diện hơn nữa. Chị Hạnh cho rằng, trẻ trước 2 tuổi cần bổ sung càng nhiều vitamin càng tốt nên không cần tư vấn của bác sỹ, chỉ cần nghe thấy bất cứ loại thuốc bổ nào được quảng cáo giúp trẻ tăng chiều cao, chống biếng ăn, còi xương… là chị Hạnh lại mua về cho con uống.

Sau 2 tháng kiên trì cho con uống các loại thuốc này, chị Hạnh không những không thấy con lên cân mà còn thấy bé hay ốm vặt, hay nôn, trớ, lần nào đi khám cũng mất tiền triệu. Gần đây, sau khi được bác sỹ cho biết do chị Hạnh cho con uống quá nhiều loại thuốc bổ, không hấp thụ được, dẫn đến tình trạng bé bị thừa vitamin, chị đứng ngồi không yên.


Thiếu hay thừa vitamin đều gây hại cho sức khỏe của trẻ, điều quan trọng là cần có tư vấn và chỉ định của bác sỹ khi muốn bổ sung cho bé

Thông thường tình trạng trẻ bị thiếu vitamin và khoáng chất thường gặp ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, hay những gia đình ở nông thôn. Đó là những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong điều kiện bữa ăn hàng ngày không đủ dưỡng chất do ăn phải gạo bị mốc hoặc để lâu ngày, rau quả để bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu, do chế biến thức ăn không đúng như đun đi đun lại nhiều lần, do các tập quán ăn uống kiêng khem quá mức hoặc trẻ không được bú sữa mẹ... Tuy nhiên, nhiều gia đình ở thành phố, dù những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, thức ăn được họ thay đổi theo ngày, nhưng nhiều bà mẹ vẫn lo sợ con mình thiếu chất. Ngoài việc "ép" trẻ ăn một cách thiếu khoa học theo kiểu càng "nhồi" càng tốt, không ít bà mẹ còn mua thuốc bổ để con ăn khoẻ, ngủ khoẻ dù con mình phát triển hoàn toàn bình thường.

Biến chứng khó lường

Theo bác sỹ Nguyễn Thu Huyền - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mặc dù, thiếu vitamin và khoáng chất sẽ khiến trẻ chậm lớn, chẳng hạn thiếu vitamin A có thể gây bệnh về mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hoá; thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim; thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn… song khi trẻ thừa vitamin A lại dẫn đến ngộ độc, tăng áp lực nội sọ khiến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Còn với trường hợp trẻ bị thừa vitamin B6 có thể dẫn đến tình trạng viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ; trẻ thừa vitamin D có thể dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, có trường hợp bị thiểu năng, gây suy thận và tử vong rất nhanh. Việc bổ sung vitamin chỉ cần thiết với một số trường hợp bệnh lý như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh nên nhu cầu vitamin cao hơn mức cung cấp hàng ngày… Song những trường hợp này cũng cần được dùng theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ bằng thuốc, cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng xấu do quá liều. Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể dùng liều cao hơn. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải biết nhu cầu hàng ngày về vitamin và khoáng chất của trẻ bao nhiêu là đủ. Bên cạnh đó, khi sử dụng vitamin và khoáng chất dưới dạng phối hợp như đa vitamin, đa khoáng chất... các bậc phụ huynh cũng cần phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ dưới 1 tuổi và dưới 4 tuổi.

Lời khuyên mà các bác sỹ chuyên khoa Nhi dành cho các bà mẹ là trong trường hợp trẻ phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, phải có đơn thuốc và chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Khi dùng các loại thuốc này nên cho trẻ dùng dạng lỏng dưới dạng dung dịch vừa dễ uống, vừa dễ hấp thu. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm, như rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá… Nếu trẻ sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không bị rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hoá thì không cần bổ sung. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng không được dùng thuốc theo quảng cáo để tránh những biến chứng gây hại cho trẻ…
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ