Cách làm các món ngon cổ truyền miền Bắc dịp Tết (P.2)

Bánh chưng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết và bàn thờ tổ tiên của người miền Bắc

Cách làm các món ngon cổ truyền miền Bắc dịp Tết (P.1)

Những món ngon nức tiếng của mùa đông Hà Nội

Nấu món ngon... cho con đủ kẽm

Bún măng vịt: Món ngon cho ngày nóng

Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Chuẩn bị

Lá dong phải là loại lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) thì mới dễ gói, mỗi bánh chọn 4 chiếc lá. Ngâm lá vào nước cho mềm, rửa sạch hai mặt lá và để ráo nước. Dùng khăn sạch lau lá cho thật khô, cắt bớt gân lá cho lá mềm để dễ gói.

Lạt gói bánh chưng là loại lạt giang, mỏng, mềm và dẻo dai. Mỗi một chiếc bánh cần khoảng 2 - 4 chiếc lạt tuỳ bạn muốn buộc hình chữ thập (2 lạt) hay hình vuông (4 lạt) trên bánh.

Thịt ba chỉ, nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt buộc là các nguyên liệu để gói bánh 

Chọn loại gạo nếp có hạt đều, mẩy, ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, nếp nương vừa thơm vừa dẻo. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ mà bạn thích.

Chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1 - 2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo 2 phần đỗ.

Thịt lợn nên dùng loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5 - 7cm, dày chừng 0,5cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.

Cách gói, luộc, bảo quản bánh chưng

Trước khi gói bánh, lấy một chiếc mâm rộng, xếp lá một bên, lạt một bên, gạo và đỗ, nhân thịt lợn để phía trước. Chọn hai chiếc lá to đặt song song, sao cho mặt lá không có gân lá hướng xuống dưới. Xếp hai chiếc lá khác lên trên hai lá này theo hình chữ thập, mặt lá không có gân quay lên trên.

Đầu tiên là lá dong, tiếp đến là nếp, đỗ xanh, thịt lợn rồi trên cùng là 1 lớp nếp nữa rồi gói lại

Đổ một nửa gạo lên trên, cho một nửa đỗ, xếp nhân thịt lợn (hai miếng), rồi cho tiếp nửa đỗ, sau đó là nửa gạo còn lại. Cuộn lá dong lên gói bánh, sau đó bẻ hai đầu cho vuông thành, sắc cạnh.

Gói tiếp bằng hai chiếc lá bên ngoài, dùng lạt buộc lại cho chắc. Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo, không bị thấm nước vào bên trong.

Với cách gói có khuôn các giai đoạn cũng được tiến hành như trên. Tuy nhiên, người ta cắt tỉa bớt lá dong cho gọn (vừa kích thước khuôn) và đặt trước các lớp lá xen kẽ nhau vào trong khuôn (3 hoặc 4 lá, nếu gói 4 lá bánh sẽ vuông đẹp hơn. Khi đó thường thì 2 lá xanh quay ra ngoài xếp tại 2 góc đối xứng nhau, và 2 lá xanh quay vào trong để tạo màu cho bánh). Sau khi đã cho nhân vào trong, các lớp lá lần lượt được gấp lại và sau đó được buộc lạt.

Xếp bánh ngay ngắn vào nồi trước khi luộc

Khi luộc bánh, nên chọn lấy nồi to, dày với dung tích trên 100 lít tùy theo số lượng bánh đã được gói. Rải cuộng lá dong thừa xuống dưới kín đáy nhằm mục đích tránh cho bánh bị cháy. Xếp lần lượt từng lớp bánh lên đến đầy nồi và xen kẽ các cuộng lá thừa cho kín nồi. Đổ ngập nước nồi và đậy vung đun. Thường thì canh giờ tính từ thời điểm nước sôi trong nồi và duy trì nước sôi liên tục trong 10 đến 14 giờ.

Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh (nên đặt sẵn ấm nước bên cạnh bếp đun bánh để tận dụng nhiệt lượng). Những chiếc bánh ở trên có thể được lật giở để giúp bánh chín đều hơn, tránh tình trạng bị lại gạo sau này. Trong lúc đun, có thể lấy bánh ra, rửa qua trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.

Dùng đồ vật nặng để ép bánh chưng cho ráo nước

Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (tục gọi là để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.

Bánh thường được treo ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu, tùy thời tiết có thể để được hàng tháng trời không hỏng. Nhiều vùng ngày xưa còn đưa bánh xuống ngâm dưới ao hoặc giếng nước để bảo quản, lá bánh với nhựa của gạo khi nấu là lớp màng ngăn nước lọt vào làm hỏng bánh.

Cách ngâm nước bảo quản bánh chưng tương truyền gắn với sự tích vua Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà vào dịp Tết Nguyên đán năm Kỷ Dậu (1789), nhân dân bỏ bánh chưng xuống ao, ngừng ăn tết nhằm hoàn tất cuộc đại phá quân Thanh và ăn tết muộn sau đó. Tuy nhiên, hiện nay, phương thức bảo quản này hiện đã không còn.
Vi Dũng H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp