- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Bà bầu cần tránh xa thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm
Thiếu máu khi mang thai tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở trẻ sơ sinh
Podcast: Biện pháp kiểm soát cân nặng trong thai kỳ
Podcast: Làm gì để khắc phục tình trạng ngứa da ở bà bầu?
Muốn "mẹ tròn con vuông", bà bầu cần kiêng những ăn gì?
Vì sao an toàn thực phẩm đặc biệt quan trọng với bà bầu?
Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ trải qua nhiều thay đổi để bảo vệ chính mình và thai nhi. Những thay đổi này cũng khiến phụ nữ mang thai dễ nhiễm các bệnh lây qua thực phẩm hơn, như nhiễm khuẩn Salmonella, Listeria hoặc ký sinh trùng Toxoplasma.
Ở người mẹ, triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể nhẹ, nhưng với thai nhi, tình trạng này để lại hậu quả nghiêm trọng như sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Để đón thai kỳ an toàn, mẹ bầu cần tránh những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những thực phẩm cần thận trọng khi mang thai
Thịt, gia cầm và hải sản sống
Tất cả các thực phẩm có nguồn gốc động vật cần phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Nếu không, bất cứ món tái, gỏi nào đều còn chứa vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hiểm với sức khỏe. bà bầu nên hạn chế ăn sushi, bít tết tái, gỏi cá…
Chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng

Trứng, sữa chưa qua tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn, bà bầu không nên ăn sống
Sữa tươi, phô mai mềm làm từ sữa chưa tiệt trùng (như brie, camembert), hay thậm chí là nước ép trái cây chưa tiệt trùng đều có nguy cơ chứa vi khuẩn E.coli và Listeria. Tốt nhất chị em mang thai nên chọn đồ uống đã tiệt trùng để đảm bảo an toàn.
Thịt nguội, xúc xích
Các món thịt nguội như đồ hộp, thịt xông khói cắt lát… có nguy cơ chứa Listeria nếu không bảo quản đúng cách. Chị em vẫn có thể thưởng thức món ăn này trong trường hợp đã làm nóng lại đến khi thịt nóng bốc khói.
Trứng sống, trứng lòng đào
Trong trứng có thể chứa vi khuẩn Salmonella, dễ gây ngộ độc thực phẩm với triệu chứng nghiêm trọng ở bà bầu. Ngoài việc tránh ăn trứng lòng đào, chị em còn nên hạn chế ăn salad làm từ xốt trứng sống. Nếu muốn thưởng thức nên chọn trứng đã tiệt trùng.
Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao
Cá biển là nguồn protein và omega-3 dồi dào cho sức khỏe, tuy nhiên, một vài loài cá lại chứa hàm lượng thủy ngân cao. Kim loại nặng này có thể tích tụ trong cơ thể người mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ. Bà bầu nên hạn chế ăn cá kiếm, cá thu vua, cá ngói… Thay vào đó, cá hồi, cá tuyết hay cá mòi là lựa chọn an toàn hơn, đồng thời cũng chỉ nên ăn 2-3 bữa mỗi tuần.
Sò, hàu sống
Sò, vẹm, hàu… là hải sản thơm ngon, nhưng nếu chưa được chế biến chín kỹ vẫn còn chứa vi khuẩn Vibrio và nhiều mầm bệnh khác.
Pate
Các món pate hay thịt dùng để ăn kèm bánh mì cũng dễ nhiễm Listeria. Bà bầu nên chọn sản phẩm đóng hộp (với bao bì nguyên vẹn), được bán tại cơ sở uy tín.
Trái cây, nông sản chưa rửa sạch

Luôn rửa kỹ rau củ quả trước khi ăn hoặc chế biến
Ngay cả nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe này cũng có thể nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma hoặc vi khuẩn từ đất. Nên rửa kỹ càng rau củ quả trước khi ăn hoặc chế biến, gọt vỏ nếu có thể.
Giá đỗ, rau mầm ăn sống
Các loại rau mầm đều được trồng trong môi trường ẩm ướt và ấm áp nên dễ sinh ra vi khuẩn, lại khó rửa sạch hoàn toàn. Nếu vẫn muốn thưởng thức khi mang thai, chị em nên mang đi nấu chín trước khi ăn.
Đồ uống chứa cồn và caffeine
Uống rượu khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu, làm chậm phát triển trí não. Uống nhiều caffeine có thể khiến bà bầu sinh con nhẹ cân, nguy cơ sảy thai cao hơn.
Mang thai là khoảng thời gian mẹ cần đặc biệt nuôi dưỡng và bảo vệ bản thân cũng như em bé. Việc phải theo dõi chế độ ăn uống sát sao có thể khiến nhiều người cảm thấy áp lực, nhưng hiểu rõ những thực phẩm cần tránh sẽ giúp mẹ bầu tự tin đưa ra lựa chọn an toàn hơn. Bên cạnh đó, đừng quên tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm như: Rửa tay sạch sẽ khi chế biến; Bảo quản đồ sống và đồ chín riêng biệt; Không để đồ ăn chín ngoài nhiệt độ phòng quá 2 tiếng.
Bình luận của bạn