Nguy hiểm khi trẻ bỗng nhiên hạ nhiệt

Các bác sỹ chăm sóc trẻ mắc bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Trung Quốc: Ngũ cốc trẻ em bị thu hồi do chứa nhiều chì

50% trẻ em bị mất thính lực do tiếng ồn

Xử trí sốt cao co giật ở trẻ em

Xử trí co giật khi trẻ sốt cao

Thay đổi nhiệt độ là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại các tác nhân tác động xấu. Dạng thay đổi thân nhiệt thường gặp nhất là sốt với vô số khuyến cáo từ các bác sỹ (BS) về cách can thiệp và nhiều loại thuốc để giải quyết triệu chứng tại chỗ. Tuy nhiên, ở một số dạng bệnh, bệnh nhân lại bị hạ thân nhiệt thay vì sốt.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, hạ thân nhiệt tuy ít gặp nhưng “khó chịu” và nguy hiểm hơn sốt rất nhiều.

35 độ trở xuống: Phải vào viện

Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ có con nhỏ, một bà mẹ đặt câu hỏi: “Con trai 2 tuổi của tôi 2 hôm nay hơi mệt nhưng người không sốt mà còn có vẻ mát hơn bình thường, vậy có sao không?”. Trong số khá nhiều câu trả lời bàn tới bàn lui, một phụ nữ khuyên: “Bạn phải đem con đi cấp cứu ngay!”.

Người phụ nữ trên cho biết bé gái con chị cũng đột ngột hạ nhiệt sau 3 ngày sốt li bì vì sốt xuất huyết. Chị cảm nhận con hơi lạnh so với bình thường nhưng suy nghĩ chủ quan rằng sốt xuất huyết vốn gây sốt khó hạ, giờ con hạ nhiệt là vui rồi... Không ngờ, chỉ 1 giờ sau, chị phát hiện tay chân con gái tím tái nên vội bồng bé vào viện. Rất may, nhà chị ở gần Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TPHCM) nên cô bé được cứu kịp dù đã bắt đầu vào giai đoạn sốc của bệnh.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), hạ thân nhiệt là một dạng thay đổi nhiệt độ khá ít gặp nhưng thường là biểu hiện của những vấn đề khá nghiêm trọng. Đối tượng có nguy cơ hạ thân nhiệt nhiều nhất là trẻ nhỏ đặc biệt là các bé sinh non. Ở trẻ em, hạ thân nhiệt thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng hoặc “báo động” giai đoạn vào sốc của một số bệnh nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp...

Nếu thân nhiệt bé bị giảm dưới 35 độ C thì cha mẹ nên đưa bé vào viện

 “Ví dụ trẻ sốt xuất huyết, nhiều em đang sốt cao khó hạ mấy ngày bỗng người hạ nhiệt, mát hẳn, có khi nhiệt độ giảm dưới 35 độ C rồi bắt đầu chuyển sang giai đoạn sốc”  BS Tiến dẫn chứng. Theo ông, khi đo thân nhiệt cho trẻ, nếu thấy nhiệt kế báo từ 35 độ C trở xuống thì nên lập tức đưa vào viện.

BS Tiến cũng lưu ý rằng trẻ em thường có khả năng chịu lạnh kém hơn người lớn nên cũng có thể bị hạ thân nhiệt do môi trường, như phải ở lâu trong phòng có nhiệt độ quá thấp. Trong trường hợp này, nên ủ ấm cho trẻ. Nếu trẻ hạ thân nhiệt nhiều quá thì cũng nên đưa vào BV.

Hạ nhiệt “khó chịu” hơn sốt

Theo BS Phạm Lực- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-chống độc BV Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), hạ thân nhiệt thường xảy ra khi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Gram âm, trái với trạng thái sốt thường thấy khi nhiễm vi khuẩn Gram dương. Hạ thân nhiệt thường xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, những người bị hạ đường huyết, sốc, tụt huyết áp... cũng có thể bị hạ thân nhiệt. Hạ thân nhiệt quá nặng mà không được xử lý kịp thời thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

“Khi một bệnh nhân bị hạ thân nhiệt, trước hết, các cơ quan ngoại biên như tay, chân, da... sẽ có biểu hiện lạnh bởi cơ thể dồn máu nuôi các cơ quan bên trong. Nếu tình trạng hạ thân nhiệt tiếp diễn, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và các hệ cơ quan khác sẽ dần dần bị ảnh hưởng” BS Nguyễn Minh Tiến phân tích.

Hạ thân nhiệt có thể nguy hiểm hơn sốt cao 

Theo các BS chuyên khoa, một điểm nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nhiều khi bệnh nhân và người nhà không nghĩ tới nên bỏ qua các triệu chứng, đặc biệt là với trẻ em. Người bị hạ thân nhiệt thường cảm thấy mệt mỏi, người khác sờ vào có thể cảm nhận da, tay chân hơi mát hoặc lạnh tùy theo mức độ... Khá nhiều người chỉ lo sợ cơn sốt và không nghĩ đến việc cơ thể đang “báo động” bằng sự thay đổi nhiệt độ theo hướng ngược lại. Có người còn mừng vì nghĩ cơ thể bỗng dưng mát sau mấy ngày bị cơn sốt hành hạ... mà không hiểu đó là dấu hiệu nguy cấp.

“So với sốt, hạ thân nhiệt “khó chịu” hơn nhiều. Hạ thân nhiệt một ít có khi còn nguy hiểm hơn sốt cao 39-40 độ C vì mức độ nghiêm trọng rất khó lường” BS Lực khẳng định.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, trẻ em bị hạ thân nhiệt nặng thường kèm theo các biểu hiện như tím môi, tím tái tay chân, da nổi bông... Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần cấp cứu.

Không có thuốc trị triệu chứng
Theo BS Phạm Lực, trong khi sốt có rất nhiều loại thuốc thông dụng giúp cơ thể lấy lại nhiệt độ bình thường thì hạ thân nhiệt lại không hề có một loại thuốc nào mà bệnh nhân có thể mua sẵn để “kéo” nhiệt độ lên. Khi một người bị hạ thân nhiệt, tốt nhất nên tìm cách ủ ấm và nhanh chóng đưa họ đến BV để các BS có biện pháp xử lý phù hợp.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ