Làm sao để hết đau răng vào ban đêm?

Đau răng vào ban đêm gây khó ngủ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Mách bạn cách trị cơn đau răng hiệu quả tại nhà

Mẹo cứu nguy khi bị đau nhức răng

Cách giảm đau răng và nướu cực nhanh nhờ các biện pháp đơn giản

Dùng tinh dầu đinh hương để trị đau răng có an toàn?

Khi bị đau răng, việc đầu tiên bạn cần làm là đến bệnh viện khám xem nguyên nhân cụ thể là gì. Điều này là cần thiết bởi sức khỏe răng rất quan trọng và có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị đau như bị sâu, viêm lợi, vỡ hay mọc răng khôn... Các bác sỹ sẽ giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân đau răng là gì thông qua việc kiểm tra trực tiếp hoặc chụp chiếu nếu cần. Khi biết được nguyên nhân gây đau răng, bác sỹ mới có thể đưa ra các phương án điều trị thích hợp để làm giảm cơn đau hoặc chữa trị tận gốc.

Trong trường hợp cụ thể là cơn đau răng xảy ra vào ban đêm, việc tới viện không tiện, bạn có thể thử áp dụng các phương pháp khác giúp giảm đau tạm thời như sau để cải thiện tình trạng của mình.

1. Uống thuốc giảm đau

- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) là một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả để giảm đau răng mức độ nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi uống các loại thuốc trên.

- Luôn uống đúng và đủ liều lượng khuyến cáo in trên bao bì thuốc.

Thuốc giảm đau có thể là biện pháp tạm thời để giúp bạn dễ chịu hơn.

Thuốc giảm đau có thể là biện pháp tạm thời để giúp bạn dễ chịu hơn.

2. Chườm lạnh

Chườm túi đá vào chỗ bị đau giúp co mạch máu ở khu vực đó, làm dịu cơn đau để người bệnh đi vào giấc ngủ dễ hơn.

3. Gối đầu cao

Máu tụ ở đầu có thể gây thêm đau và viêm. Đối với một số người, kê cao đầu thêm 1 hoặc 2 chiếc gối có thể làm giảm cơn đau răng, giúp đi vào giấc ngủ ngon hơn.

4. Thuốc mỡ bôi

 

Một số loại thuốc mỡ gây tê cũng có thể giúp giảm đau nhức răng. Các loại gel và thuốc mỡ bôi có chứa thành phần gây tê cục bộ (benzocain) có thể làm giảm đau. Tuy nhiên, benzocain không thích hợp sử dụng cho trẻ nhỏ. Cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng các loại thuốc.

5. Trà bạc hà

Ngậm trà bạc hà có thể giúp giảm đau răng tạm thời nhờ các hợp chất kháng khuẩn và chống oxy hóa. Một thành phần hoạt tính trong bạc hà (menthol) cũng có thể làm tê nhẹ các vùng nhạy cảm.

6. Đinh hương

Một trong những hợp chất chính trong đinh hương là eugenol có thể làm giảm đau răng. Eugenol hoạt động như một loại thuốc giảm đau bằng cách làm tê khu vực đó. Cách làm: hãy ngâm đinh hương trong nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Sau đó, bôi hỗn hợp lên răng, hoặc cho vào túi trà rỗng và ngậm vào miệng. Ngoài ra, nhẹ nhàng nhai hoặc ngậm một cây đinh hương, sau đó để nó ở gần chiếc răng bị đau có thể giúp giảm đau hiệu quả. Lưu ý không dùng cho trẻ em.

7. Tỏi

Tỏi là một nguyên liệu phổ biến trong gia đình mà người ta hay sử dụng để giảm đau nhức răng. Một hợp chất chính trong tỏi là allicin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong miệng dẫn đến sâu răng và đau răng. Chỉ cần nhai một nhánh tỏi và để nó ở gần khu vực bị đau có thể giúp giảm đau đáng kể.

8. Súc miệng nước muối

Nước muối giúp kháng khuẩn và giảm viêm. Súc miệng bằng nước muối có thể bảo vệ răng khỏi nhiễm trùng và loại bỏ các mảnh vụn thức ăn mắc kẹt trong răng hoặc nướu. Tuy nhiên, hãy lưu ý đối với một số trường hợp ví dụ như viêm tủy, súc miệng nước muối sẽ làm bạn đau buốt hơn.

 

Nguyên nhân gây ra đau răng

Sâu răng là một nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến đau răng. Sâu răng xảy ra khi acid và vi khuẩn phá vỡ men răng và ăn mòn các mô bên trong răng. Từ đó có thể làm lộ dây thần kinh, gây ra các cơn đau từ nhẹ đến nặng.

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau răng bao gồm: nhiễm trùng xoang, áp xe răng, chấn thương hàm, sắp mọc răng khôn, thức ăn mắc kẹt trong răng hoặc nướu, nghiến răng vào ban đêm, bệnh vê nướu,...

Tại sao đau răng hơn vào ban đêm?

Đau răng thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Lý do có thể là vì khi nằm xuống, máu sẽ dồn lên đầu. Áp lực tại khu vực này có thể làm tăng cảm giác đau răng hơn. Một nguyên nhân khác khiến những cơn đau nhức trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm là vì không có nhiều sự phân tâm như ban ngày. Vì không có gì khác để tập trung ngoài cơn đau răng, bạn có thể cảm thấy khó đi vào giấc ngủ.

Khi nào nên gặp nha sỹ?

Những người bị đau răng vào ban đêm bất kể nguyên nhân nào cũng nên đến gặp nha sỹ càng sớm càng tốt. Các biện pháp khắc phục tại nhà đều chỉ là tạm thời. Nếu cơn đau răng đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng khác, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh. Các chuyên gia sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

Thu Phương (Theo Medicalnewstoday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt