Bị ngứa mắt do đâu và cách khắc phục

Có những nguyên nhân nào gây ngứa mắt?

Cách nhận biết và chăm sóc da bị viêm nang lông

Da mặt bị ngứa là dấu hiệu gì?

Lưu ý chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người lớn tuổi

Nguy cơ tăng sắc tố khiến da không đều màu trong mùa Hè

Dị ứng theo mùa

Các chất gây dị ứng như phấn hoa có thể xâm nhập trực tiếp vào mắt gây khó chịu. Theo bác sĩ nhãn khoa Vivian Shibayama (tại hệ thống y tế UCLA Health, California, Mỹ), nếu bạn đang gặp các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi thì rất có thể bạn sẽ bị chảy nước mắt và ngứa mắt kèm theo. Điều này là do cấu trúc của hai khu vực xoang mũi và hốc mắt có liên quan chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, theo bác sĩ nhãn khoa Muriel Schornack (tại phòng khám Mayo, Minnesota, Mỹ) khi bạn bị dị ứng, mắt cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Phản ứng này có liên quan đến việc giải phóng các chất có thể gây sưng, ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt.

Do kính áp tròng

Đeo kính áp tròng có thể khiến mắt bạn bị kích ứng và ngứa ngáy. Trong trường hợp này, cảm giác ngứa ở nhãn cầu gây ra thường bởi có dị vật (kính áp tròng) ở bề mặt trước của mắt. Theo Học viện Nhãn khoa Mỹ (AAO), theo thời gian, kính áp tròng sẽ bị biến dạng (như xuất hiện vết cong, lõm) nên không còn phù hợp với giác mạc. Do đó bạn nên khám mắt thường xuyên để thay kính áp tròng khi cần thiết.

Chú ý vệ sinh kính áp tròng cũng như dụng cụ đựng đúng cách. Đảm bảo kính đã được làm sạch kỹ trước khi đeo lại. Đối với khay đựng kính, thường bạn nên thay mới sau khi sử dụng khoảng 3 tháng, hoặc thay ngay khi thấy vết nứt hoặc dấu hiệu hư hỏng khác.

Nếu bạn cảm thấy mắt thường xuyên bị mỏi, kích ứng bởi kính áp tròng, bạn nên ngừng đeo và khám mắt để kiểm tra nguyên nhân.

Bị khô mắt

Khô mắt xảy ra do thiếu lượng nước mắt hoặc chất lượng phim nước mắt không tốt. Mắt bị khô gây ra các triệu chứng như đỏ, rát và ngứa. Khi bị khô mắt, các dây thần kinh ở giác mạc mắt trở nên quá nhạy cảm với mọi thứ mà nó tiếp xúc.

Bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Theo CDC Mỹ, viêm kết mạc có thể xảy ra do dị ứng, nhiễm trùng hoặc bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào ở mắt. Viêm kết mạc dẫn đến các triệu chứng như sưng mắt, chảy nước mắt, đỏ và ngứa mắt.

Nhiễm COVID-19

Ngứa mắt có thể là triệu chứng của nhiễm COVID-19. Nghiên cứu cho thấy người bệnh có khả năng gặp các vấn đề về mắt (như nhạy cảm với ánh sáng, đau nhức mắt và ngứa mắt) trong vòng 2 tuần kể từ khi có các triệu chứng của COVID-19.

Dị ứng mỹ phẩm

Khi trang điểm, một phần nào đó mascara, phấn mắt và các món đồ makeup khác có thể dính vào mắt và vùng quanh mắt, gây kích ứng. Nhiều loại mỹ phẩm chứa các chất tạo màu, hương liệu và chất bảo quản có thể gây dị ứng, dẫn đến đỏ sưng ở mắt hoặc vùng da quanh mắt và thường gây ngứa.

Viêm bờ mi

Viêm bờ mi là tình trạng mi bị viêm ở gốc mi trên và mi dưới, có thể xuất hiện ở bên ngoài phía trước của mí mắt (nơi gắn lông mi) hoặc trên mí mắt bên trong. Viêm bờ mi xảy ra khi các tuyến tạo dầu (bã nhờn) kết hợp với bụi bẩn trên mí mắt bị tắc nghẽn, dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn, gây ra kích ứng, đỏ và ngứa mắt.

Nhiễm ký sinh trùng ở mi mắt

Demodex folliculorum là một loại ve mạt, ký sinh ở người và động vật tại vùng nang lông tuyến bã. Chúng ăn tế bào da và dầu, và có thể gây ngứa. Một số loại thuốc có thể giúp loại bỏ chúng như thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt steroid hoặc dạng kem.

Bị mỏi mắt

Mỏi mắt thường xảy ra sau một thời gian dài làm việc trên màn hình hoặc lái xe trong nhiều giờ mà không được nghỉ ngơi. Mắt không những bị mỏi mà còn bị khô, dẫn đến ngứa mắt.

Có bụi hoặc dị vật trong mắt

Các tác nhân như bụi bẩn, lông động vật... khi bay vào mắt sẽ gây cảm giác khó chịu và ngứa ở mắt. Thường hiện tượng này chỉ xảy ra ở một bên mắt.

Làm thế nào để giảm ngứa mắt?

Một số lưu ý giúp cải thiện tình trạng ngứa ở mắt

Một số lưu ý giúp cải thiện tình trạng ngứa ở mắt

Khi biết rõ nguyên nhân gây ngứa, các biện pháp khắc phục mới có hiệu quả tốt nhất. Theo các bác sĩ, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau giúp giảm ngứa mắt:

- Sử dụng thuốc nhỏ bôi trơn mắt không kê đơn giúp cấp ẩm cho nhãn cầu và rửa sạch các chất gây dị ứng. Nhưng lưu ý nên dùng thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản, vì chất bảo quản có thể gây kích ứng mắt.

- Thử dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamine. Nếu mắt bị ngứa nhiều, sự kết hợp giữa thành phần kháng histamin và chất ổn định tế bào mast thường có hiệu quả.

- Làm mát mắt bằng cách làm ướt khăn mặt với nước lạnh hoặc nước mát, vắt khô và đắp lên mắt giúp giảm ngứa.

- Sử dụng thuốc kháng histamine đường uống (nếu xác định nguyên nhân gây ngứa mắt là do dị ứng).

- Vệ sinh mí mắt giúp rửa sạch dịch bẩn tích tụ gây bệnh và tránh vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng nặng hơn. Tại nhà, bạn dùng gạc làm ẩm bằng nước ấm và chườm lên mắt trong 10 phút hoặc rửa bằng nước muối sinh lý. Sau đó, làm sạch mí mắt, lông mi và rửa lại bằng nước sạch.

- Tránh dụi mắt. Khi mắt bị ngứa, nhiều người có xu hướng đưa tay dụi mắt, nhưng điều này thực chất sẽ làm mắt bị đau và ngứa nhiều hơn, gây tổn thương mắt.

Lưu ý, nếu bạn đã thử các biện pháp cơ bản trên nhưng tình trạng ngứa mắt vẫn không giảm, bạn nên thăm khám bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 
Nguyễn Thanh (Theo Women's Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Mắt